Từ lâu, Thái bình quê lúa đã trở thành một thương hiệu mà không ít du khách mong muốn được về thăm. Trải qua bao năm tháng, vùng quê ấy vẫn cứ vẹn nguyên vẻ đẹp của riêng mình với những nét đặc trưng không thể lẫn.
Với những cánh đồng trải dài thẳng cánh cò bay, dưới ánh nắng của buổi xế chiều mang theo những cơn gió đồng mát rượi gợi cho con người ta nhớ về cảnh ngày mùa của tuổi thơ. Hay những buổi sớm tinh mơ đẹp đến ngẩn ngơ trong khung cảnh sương mù bao trùm khắp cánh đồng rộng lớn. Mùa lúa chín, những cánh đồng quê rộng lớn, trải dài hút tầm mắt. Có dịp chiêm ngưỡng đồng lúa ở Thái Bình, với nhiều người hẳn sẽ không khỏi bâng khuâng, xao xuyến trước nét đẹp thôn quê. Cánh đồng lúa tại Kiến Xương, những người nông dân nơi đây đang nhanh tay thu hoạch, tiếng cười nói, tiếng máy gặt rộn ràng khắp đồng quê đang vào mùa. Thay vì phải gặt tay như ngày trước, những cánh đồng này được thu hoạch bằng máy, tiện lợi hơn rất nhiều, bà con nông dân cũng đỡ vất vả hơn. Giá gặt bằng máy sẽ dao động từ 120 - 150 nghìn đồng/sào, tùy vào từng nơi và địa hình. Mọi người đang chờ máy gặt đóng bao, sau đó vận chuyển lên xe mang về nhà. Nhờ có máy gặt, người nông dân chỉ cần chở thóc về mà không phải qua công đoạn tuốt lúa. Còn tại huyện Vũ Thư, do khó khăn về mặt địa hình nên một số bà con phải gặt bằng tay - cách gặt truyền thống của người dân Việt Nam. Người dân xếp gọn bó lúa lên đường và đợi máy đến tuốt lúa. Chia sẻ với phóng viên, chú N.V.K. (huyện Kiến Xương) không giấu nổi niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt: “Năm nay lúa ít sâu bệnh, cũng coi như là được mùa, tôi và bà con rất phấn khởi”. Có lẽ đối với những người nông dân, cả năm làm lụng vất vả thì đây chính là lúc mà họ được gặt hái thành quả của mình. Sau khi kéo thóc về nhà, người nông dân tiếp tục công đoạn phơi thóc và tách hạt lép. Chiều muộn, khi nắng đã tắt dần, mọi người tập trung thu gom thóc lại, khi thóc đủ nắng và già hạt có thể đóng bao cất đi. Hình ảnh bình yên mà rất đỗi quen thuộc, gốc đa đầu làng luôn là điểm dừng chân, chỗ nghỉ cho người dân sau mỗi ngày đi làm đồng vất vả, cũng là nơi lũ trẻ trong làng thường hay tụ tập, nô đùa thỏa thích,...
Như Quỳnh