Nỗi lo trông trẻ

Hoàng Thu - Thanh Xuân 03/06/2021 09:00

Đây có lẽ là một mùa hè đặc biệt nhất đối với thiếu nhi. Thay vì được đi du lịch biển, đi trại hè, tham gia “học kỳ quân đội” cùng biết bao sân chơi hấp dẫn thì các em bị kiềm tỏa để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Ở một số tỉnh, thành hoặc một số khu vực nhất định, việc thực hiện giãn cách xã hội còn khiến các em cảm thấy bị gò bó… Trông trẻ như thế nào đang trở thành nỗi lo của nhiều gia đình.

Cha mẹ cần tạo không gian cho con vui chơi an toàn.

1. Học sinh Hà Nội được nghỉ hè sớm, từ ngày 15/5, khiến nhiều gia đình đảo lộn kế hoạch. Chị Trần Thu Hằng (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, kể từ khi các con chị được nghỉ hè sớm, gia đình chị mỗi ngày phải cắt cử một người ở nhà trông con. “Cũng có khi hai vợ chồng phải đảo nhau, người trông sáng, người trông chiều vì việc của công ty vẫn phải tập trung giải quyết”- chị Hằng nói.

Gia đình nhà chị Hằng còn thuộc diện may mắn, bởi hai đứa con chị đã có thể tự chăm sóc bản thân. Cháu lớn học lớp 7, cháu bé học lớp 5. Vợ chồng chị lại làm chủ công ty tư nhân nên cũng dễ xoay xỏa. Với nhiều gia đình vợ chồng đều làm việc nhà nước, phải thực hiện theo giờ hành chính thì quả thực rất căng thẳng.

Anh Phạm Đức Long ở phố Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) có hai con nhỏ phải nghỉ hè sớm cũng khiến gia đình anh phải nhờ bà nội từ quê ra trông nhà, cai quản con. Bởi vợ chồng anh đều làm việc nhà nước. Mặc dù nhiều cơ quan tại Hà Nội thời gian vừa qua khuyến khích cho cán bộ, nhân viên làm việc online, hạn chế tới cơ quan nhưng do tiến độ dự án vợ chồng anh tham gia nên vẫn phải đi làm từ sáng sớm.

Không chỉ ở Hà Nội, tại nhiều tỉnh, thành khác cũng vậy, chuyện trông giữ trẻ trong mùa hè năm nay thật sự là vấn đề nóng. Khoan hãy đề cập tới những tỉnh thành đang là tâm điểm của Covid-19 như Bắc Giang, Bắc Ninh. Nhìn ra các địa phương khác đỡ bị ảnh hưởng hơn, nỗi lo cho con trẻ mùa hè năm nay cũng trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình.

Tại TPHCM, ngay sau khi có thông báo đóng cửa trường học từ ngày 10/5, nhiều phụ huynh có con nhỏ đã vội vã tìm phương án. Đặc biệt là những công nhân tại các khu công nghiệp đang nuôi con nhỏ học mẫu giáo. Chị Huỳnh Thu An (trú tại TP Thủ Đức) cho biết, do may mắn liên hệ sớm, chị đã nhờ được một cô giáo của con trông giúp. “Mặc dù cũng lo chuyện dịch bệnh, nhưng không thể nghỉ làm. Nghỉ làm trong con thì không có tiền nuôi con”- chị An nói, và cho biết thêm: Mỗi cô giáo cũng chỉ nhận trông tối đa 4 đứa trẻ, nên không phải ai cũng may mắn tìm được chỗ để gửi.

Không may mắn như chị An, có gia đình vợ phải nghỉ làm ở nhà “cai quản” vì con còn nhỏ, mặt khác không tìm được người để gửi con. Một số gia đình chọn giải pháp tìm thuê giúp việc đặng đi qua mùa hè đặc biệt này. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản bởi rất khó để chọn được giúp việc ngay, chưa kể còn có phù hợp với gia cảnh từng nhà, hoặc đòi hỏi tìm giúp việc phải biết một số kỹ năng có thể ở nhà trông con học online nên càng khó khăn hơn…

2. Làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 ập đến hồi cuối tháng 4 vừa qua và theo dự đoán của các chuyên gia, tháng 6 tới tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường. Dự báo này khiến nhiều gia đình phải thay đổi hết nhiều kế hoạch đã sắp đặt. Kế hoạch đi du lịch đã đặt vé, đặt phòng phải hoãn hủy. Kế hoạch học thêm các câu lạc bộ bơi lội, đàn hát, vẽ, âm nhạc… cũng phải thay đổi.

Đặc biệt, việc gửi con tham gia các trại hè cũng cầm chắc khó mà thực hiện được. Mặc dù hiện nay, nhiều phụ huynh gửi con tham gia các trại hè đã đăng ký, chuyển khoản tiền trại phí nhưng tất cả đang phải chờ diễn biến của dịch bệnh.

Các đơn vị tổ chức trại hè tại Đồ Sơn (Hải Phòng), làng Háo Hức (Thái Nguyên), Ba Vì (Hà Nội)… cũng đang nín thở chờ các thông báo của cơ quan chức năng. Một mặt các đơn vị này vẫn tổ chức cơ sở vật chất để sẵn sàng đón các con tham gia trại hè, nhưng mặt khác họ cũng chia sẻ với các phụ huynh rằng, sẵn sàng hoàn trả lại chi phí đã đóng một khi trại hè không thể diễn ra vì lý do Covid-19.

Chính vì thế, hiện nay vấn đề nhiều gia đình đặc biệt quan tâm là làm sao để có thể cùng con “đi qua mùa hè Covid” này một cách bình an, đỡ căng thẳng nhất?

Tài chính, có thể với nhiều gia đình ở đô thị không phải là chuyện lớn, nhưng tổ chức cho con như thế nào để chúng cảm thấy vui vẻ, khỏe mạnh, không quên đi kiến thức, đồng thời cha mẹ vẫn có thời gian để làm việc mà không lâm vào stress.

Trong khi chưa thể lựa chọn các khóa học hè, trại hè cho con, cũng không thể đưa con đi du lịch khám phá các vùng đất, thì việc cùng con thiết lập thời gian biểu trong ngày là vô cùng cần thiết.

Quan tâm đến con, đồng thời cũng là “giải bài toán áp lực cho mình” để tránh stress, thậm chí xung đột, mâu thuẫn với con, một số phụ huynh đã có những cách giải quyết khác nhau, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và sở thích của con. Chị Phạm Diệp Anh ở khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) chia sẻ, gia đình chị có 3 con, cháu lớn 5, cháu bé lớp 3 và nhỏ nhất năm nay 4 tuổi rưỡi, bên cạnh việc lên lịch cho con lớn học tập, chị vừa đặt mua cho các con một chiếc lều rất rộng cùng một thùng đồ chơi sáng tạo để có thể nô đùa. “Tôi dọn gọn bàn ghế trong phòng khách căn hộ để cho con lấy chỗ vui chơi, còn mình thì vẫn tranh thủ giải quyết công việc online”, chị Diệp Anh nói.

Theo ý kiến của một chuyên gia giáo dục, để con có một mùa hè trôi qua ý nghĩa, bổ ích, năng động, vui vẻ, và có thêm những kỹ năng sống, cha mẹ cần tạo điều kiện và “bày trò” cho con vừa chơi vừa học. Cần chia thời gian trong ngày ra để con vẫn có thời gian học, giải bài tập, ôn thi, hay học tiếng Anh online, học đàn online mà vẫn có không gian vui chơi.

“Cha mẹ phải chấp nhận cho con bày biện đồ chơi, có thể làm nhà cửa bị xáo trộn hơn thường ngày”, vị chuyên gia này tư vấn, đồng thời nói thêm: Cha mẹ không nên cấm con xem tivi, tuy nhiên cần có sự thống nhất về thời lượng và thời gian cho con xem các chương trình lành mạnh mà các con yêu thích, tùy theo độ tuổi và sở thích của mỗi con. Bên cạnh đó, nên ưu tiên các hoạt động sáng tạo, để các con tự chơi một mình được lâu, như vẽ tranh, tô màu, chơi nhạc cụ, chụp ảnh, xỏ xâu làm vòng tay, xé giấy dán tranh, đan lát, hay sáng tạo ra những trò chơi như thi giới thiệu sách trong vòng 1 phút và quay video… Cha mẹ cũng có thể mua, hoặc tận dụng các hộp giấy carton để cùng con tạo ra những “mô hình” mới, như ôtô, máy giặt, tivi, tủ lạnh…

Trước thực tế nhiều gia đình gửi con tại các cơ sở trông trẻ tự phát, để đảm bảo yêu cầu phòng tránh dịch Covid-19, trao đổi với báo chí, bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: "Sở chuẩn bị có công văn hướng dẫn đến các phòng giáo dục - đào tạo quận, huyện, TP để hướng dẫn về các nhóm trẻ tự phát. Trong đó sẽ có hai nội dung. Một là yêu cầu các địa phương rà soát, hạn chế và không cho những nhóm trẻ tự phát này "mọc" lên. Hai là đang lấy nhu cầu ở các nơi để dự kiến sẽ tổ chức dạy hè vào ngày 14/6 nếu tình hình dịch bệnh ở TPHCM kiểm soát ổn. Nhìn nhận thực tế thì tôi hiểu, biết được khó khăn của phụ huynh có con nhỏ trong mùa dịch. Nhưng mình không thể đi ngược lại với quy định chung của TP. Giả sử nhóm trẻ đó có 5-6 em lỡ bị Covid-19 thì trở thành ổ dịch, thành ổ nguy cơ lây bệnh rất cao. Khi đó câu chuyện nhóm trẻ tự phát trở thành vấn đề cực kỳ nghiêm trọng rồi".

Hoàng Thu - Thanh Xuân