Ngày trở về là ngày hết dịch
Từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, sinh viên trường y đã tình nguyện lên đường đến những “điểm nóng” để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Họ đi với tinh thần tình nguyện, xung phong và không xác định ngày về. Với họ, ngày trở về sẽ là ngày hết dịch.
Trò chuyện với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, em Trần Thị Hoài Linh, sinh viên năm cuối Khoa Xét nghiệm Đại học Y Thái Nguyên đang thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm tại Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành, Bắc Ninh chia sẻ về lần đầu tiên tham gia “chống dịch” của mình.
Ngày đầu tiên khi đi chống dịch
Ngay khi trường thông báo kêu gọi sinh viên tham gia đi chống dịch tại các “điểm nóng”, Linh đã chủ động đăng kí. Người đầu tiên trong gia đình Linh chia sẻ thông tin này là mẹ nhưng không nhận được sự đồng ý.
Khi bố Linh biết tin này, bố Linh im lặng rất lâu và cuối cùng đã đồng ý với con gái. Bố Linh mong rằng, Linh sẽ có được trải nghiệm tốt trước khi ra trường công tác và luôn dặn dò con phải cẩn thận trong khi làm việc. Vậy là Linh lên đường với hành trang là vài bộ quần áo cùng lòng nhiệt huyết, sức trẻ của một cô sinh viên năm cuối.
Ngày 18/5, Linh và các bạn trong đoàn sinh viên Đại học Y Thái Nguyên di chuyển đến Bắc Ninh. Trong suốt chuyến đi, Linh xem đi xem lại video hướng dẫn cởi, mặc bộ đồ bảo hộ để đảm bảo tránh lây nhiễm chéo. Chia sẻ với chúng tôi, Linh cho biết: “Em có lo lắng, sợ sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có phần căng thẳng bởi Bắc Ninh là một điểm nóng, diễn biến dịch phức tạp”.
Sau khi được phân công, Linh cùng 17 bạn về Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành, Bắc Ninh và bắt tay ngay vào nhiệm vụ. 6h chiều cả đoàn tới xã Mão Điền để lấy mẫu. Đây cũng là lần đầu tiên Linh và các bạn thực hiện lấy mẫu nhiều người dân nhất từ trước đến nay.
Vượt qua sự “choáng ngợp”, tất cả nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc, miệt mài cố gắng lấy mẫu toàn bộ người dân tại khu vực đó. Sự lo lắng, căng thẳng đã được xua tan khi cả nhóm tập trung cao độ vào việc lấy mẫu. Khi hoàn thành công việc, đồng hồ đã chỉ 2 giờ sáng.
Gian nan thử sức
Mỗi ngày, đoàn sinh viên được cử đến mỗi xã khác nhau để thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm. Thấm thoát, đoàn đã thực hiện công việc được 2 tuần, lấy hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm.
Mỗi buổi làm việc, đoàn được điều đến từng điểm theo các xã của huyện Thuận Thành. Trung bình một buổi lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện lấy mẫu 5.000 – 8.000 dân, tuỳ vào số lượng dân ở khu vực đó.
Linh cho biết, sức khoẻ và độ bền bỉ của mỗi người khác nhau nên sự chịu được áp lực khác. Cá nhân Linh là người có sức dẻo dai nên chịu được áp lực làm việc khá lớn, tham gia hầu hết các buổi lấy mẫu được phân công. “Em cảm thấy bản thân mình đúng với câu nói “Lửa thử vàng, gian nan thử sức’. Mình phải khoẻ mới chiến đấu được với dịch bệnh” - Linh cười.
Về những khó khăn khi mặc đồ bảo hộ trong khi làm việc, Linh tiết lộ, chỉ cần 2-3 phút sau khi mặc là những dòng mồ hôi bắt đầu chảy và cứ như thế cơ thể “ngâm” trong nước suốt thời gian mặc đồ. Da tay nhăn nheo, trắng bợt, nhiều vùng da bị dị ứng là điều ai cũng gặp phải. Nhưng dị ứng thì bôi thuốc, uống thuốc để ngày hôm sau lại tiếp tục mặc đồ bảo hộ và chiến đấu.
“Dù mệt, vất vả nhưng em và các bạn chưa từng có ý định trở về nhà. Chúng em sẽ cùng nhau, cùng các y bác sĩ chiến đấu tới cùng. Ngày hết dịch sẽ là ngày chúng em lên đường trở về nhà” - Linh bày tỏ.
Cơ hội để trưởng thành
Đối với Linh và các bạn sinh viên, đây là một trải nghiệm thực tế nhiều khó khăn, vất vả nhưng đây cũng là cơ hội để các em trưởng thành hơn, tự tin hơn với nghề nghiệp đã lựa chọn và tự tin hơn vào bản thân mình.
Linh chia sẻ, có lần sau khi lấy mẫu xét nghiệm, một bác đến tận bàn hỏi Linh: “Cô ơi, bao giờ có kết quả xét nghiệm của chúng tôi?”. Dù bác đeo hai khẩu trang, gương mặt chỉ còn hở đôi mắt nhưng Linh cảm nhận rõ sự lo âu, lo cho bản thân mình và lo cho gia đình, người thân. Khi đó, Linh tự nhủ, phải cố gắng hoàn thành công việc thật tốt, thật nhanh để người dân sớm nhận được kết quả.
Hay những lần lấy mẫu cho trẻ em, có những em bé rất dễ thương, Linh chỉ cần nói khéo là các bé ngoan ngoãn để Linh thực hiện công việc của mình. Nhưng có những bé sợ, nhìn thấy các cô kín mít trong bộ đồ bảo hộ là khóc, phải giữ vất vả mới có thể lấy được dịch.
Và với thực hiện lấy mẫu nhiều điểm khác nhau kéo dài trong nhiều ngày, “đồng hồ sinh học” của tất cả dường như bị thay đổi. Có những ngày, đoàn ăn cơm tối từ 4h chiều để tối đi lấy mẫu. Hay có những đêm vừa chợp mắt thì nhận được cuộc điện thoại sang hỗ trợ các chị nhân viên y tế chuyển mẫu đi CDC, làm việc xuyên suốt tới khi trời sáng.
Tất cả những trải nghiệm này đã làm cho Linh và các bạn sinh viên cảm thấy trưởng thành nhiều hơn. Tất cả đã đóng góp một phần công sức của mình vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước. Linh và những sinh viên chắc hẳn cũng trở thành niềm tự hào của gia đình bởi họ là những “chiến sĩ dũng cảm” trong tuyến đầu chống dịch.