Nông dân Nam Bộ gặp khó vì trái cây ngoại
Câu chuyện người nông dân chặt bỏ cây cũ để đổ xô vào trồng cây mới có giá bán cao hơn tiếp tục được lặp lại ở một số tỉnh khu vực Nam Bộ và kết quả là sản phẩm đến vụ thu hoạch bị rớt giá thảm hại. Nhưng khác với trước đây, lần này người sản xuất nhận trái đắng là các sản phẩm cây trồng có xuất xứ từ nước ngoài.
Giá thu mua tại vườn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối với trái mít Thái trong những ngày cuối tháng 5/2021 tiếp tục ghi nhận ở mức thấp. Như tại các huyện Cái Bè và Cai Lậy (Tiền Giang), thương lái thu mua quả loại 1 ở mức cao nhất chỉ là 13.000 đồng/kg. Tuy vậy, các thương lái vẫn rất kén chọn trong vấn đề lựa mua, nên dẫn đến 80-90% lượng mít Thái sau khi hái xuống đã bị xếp vào loại 2, loại 3 với mức giá 3.000-5.000 đồng/kg, thậm chí chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg đối với loại “dạt” để làm mít kem, mít chợ. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ trong nhiều tháng nay, khiến cho nông dân trồng mít “khóc ròng” vì lỗ nặng trước mức giá mà thương lái đưa ra.
Ông Đào Thanh Hồng - nông dân trồng mít Thái ở xã Phú Tân (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho biết, với mức giá vài nghìn đồng mỗi ký như hiện nay thì ông không biết phải tính như thế nào. Ông Hồng tỏ ra tiếc nuối khi 2 năm trước thấy giá mít Thái bán tại vườn được giá cao (khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg) nên ông đã chặt bỏ 2ha vườn tiêu và vay vốn để chuyển sang trồng mít. Giờ thì giá tiêu phục hồi nhưng không có để bán, nợ ngân hàng thì còn đó, trong khi cây mít bắt đầu cho thu hoạch thì giá lại rớt thảm hại.
Không chỉ Đồng Nai, ở một số tỉnh tại miền Đông Nam bộ, nhất là Bình Phước, Bình Dương, diện tích trồng mít Thái cũng được ghi nhận là tăng đáng kể. Khi tiêu, cà phê rớt giá, dù chính quyền các địa phương có khuyến cáo bà con nông dân không trồng ồ ạt theo phong trào, chỉ chuyển xen trồng những loại cây đặc sản như bưởi, sầu riêng, đừng nên trồng chỉ một loại cây mít ngoại lai dễ rủi ro rớt giá, xuống giá, thế nhưng nông dân vẫn đua nhau trồng.
Tương tự như vậy, diện tích trồng mít Thái ở vùng ĐBSCL thời gian qua cũng tăng đến hàng chục nghìn ha, nhiều nhất là các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Hậu Giang, Bến Tre…
Do diện tích trồng mít Thái ở các tỉnh phía Nam tăng cao, sản lượng thu hoạch lớn lại đúng thời điểm thị trường xuất khẩu bị đình đốn vì ảnh hưởng dịch Covid-19, nên dẫn đến rủi ro rớt giá là khó tránh khỏi.
Cũng giống như tình cảnh của mít Thái là chuyện rớt giá xuống đáy của trái xoài Đài Loan. Ghi nhận ở nhiều tỉnh ĐBSCL như An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp thì xoài Đài Loan đang vào mùa thu hoạch rộ, giá rẻ đến nỗi người dân không buồn hái, đổ đống cho heo, cho cá ăn, thương lái cũng không buồn mua. Giá xoài Đài Loan bán tại vườn hiện với loại 1 chỉ khoảng 3.000-5.000 đồng/kg, với loại 2 và loại 3 thì thương lái trả 1.000-2.000 đồng/kg.
Trước đây, nhận thấy xoài Đài Loan có giá bán khá cao, có thời điểm lên đến 50.000 đồng/kg đối với loại 1 nên nhiều nông dân tỉnh An Giang đã chuyển từ trồng lúa, vườn tạp sang trồng xoài Đài Loan, “phong trào” lên cao nhất là ở huyện Chợ Mới với diện tích khoảng 7.000 ha.
Đây tiếp tục là bài học cảnh báo khi nhiều địa phương ở ĐBSCL tăng nhiều diện tích trồng cây xoài Đài Loan trong thời gian qua. Với giống xoài ngoại lai này, chỉ thích hợp để ăn sống, chỉ chuyên xuất khẩu trái tươi vào thị trường Trung Quốc, khó có thể bảo quản lâu nên rất dễ gặp cảnh rớt giá, dội hàng khi thị trường xuất khẩu có vấn đề, nhất là giữa dịch Covid-19 này.
Giới chuyên gia cảnh báo, người dân không nên tập trung trồng những loại cây ăn trái ngoại theo kiểu “phong trào” khi chưa rõ tình hình cung-cầu, chưa biết bán cho ai, xuất khẩu thì chỉ phụ thuộc nhiều vào đầu ra ở Trung Quốc mà chưa mở rộng được sang những thị trường khác.