Thanh Hóa: Nước thẩm thấu qua thân đê
Do mưa lũ, cộng với việc nạo hút cát vô tội vạ trên sông Mã đã khiến đoạn kè hướng dòng và phần mái kè đê tại Trạm bơm Hoằng Khánh (xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng. Điều này không khiến trạm bơm đầu mối bị vô hiệu hóa do bồi lắng, mà nó còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của một số hộ dân.
Rủi ro được cảnh báo
Có mặt tại trạm bơm Hoàng Khánh, xã Hoàng Xuân, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) một ngày cuối tháng 5, chúng tôi chứng kiến tình trạng sạt lở đang diễn ra khá nghiêm trọng. Phía giữa dòng sông Mã, đoạn kè hướng dòng dài 300 m đã bị lôi tụt vào lòng sông mất phân nửa, trơ lại những rọ lưới thép B40 rách nát. Trong bờ, hơn 20 m chiều dài phần mái đê do bị đứt chân, các khối bê tông cũng bị trôi xuống sông, tạo nên các hõm hàm ếch sâu hoắm, ăn sâu vào thân đê. Từ các khe nứt này, các mạch nước ngầm trong thân đê không ngừng chảy ngược ra sông… Điều này chứng tỏ, đê đã bị rỗng trong và nước thẩm thấu qua.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuân không giấu được sự lo lắng cho biết: Vào tháng 8/2019, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây lũ lớn trên sông Mã, làm cuốn trôi khoảng 50 m kè nắn dòng Trạm bơm Hoằng Khánh, sạt lở 273 m kè phía hạ lưu và khoảng 50 m kè phía thượng lưu. Đồng thời, cũng do tác động của mưa lũ năm 2019, chân kè cửa lấy nước phía hạ lưu trạm bơm bị xói, sạt trượt dài khoảng 25m và lấn sâu vào bờ từ 5-10m… Tình trạng sạt lở nói trên diễn ra trong suốt gần 3 năm nay. Điều mà ông Tài lo lắng nhất không chỉ vì đây là đoạn đoạn đê xung yếu trên sông Mã mà còn là sự an nguy của 4 hộ dân, với gần 20 nhân khẩu đang sinh sống ngay phía trên điểm sạt lở.
“Sau khi kè nắn dòng bị cuốn trôi, vào những buổi nước cạn, người dân có thể đi lại tại khu vực đặt giỏ bơm như ở trên bờ vì bị cát bồi lắng. Các mạch nước từ thân đê chảy ra ngày càng mạnh hơn, điều đó chứng tỏ thân đê đã rất yếu. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, tôi e rằng không chỉ trạm bơm Hoằng Khánh bị vô hiệu hóa mà ngay cả đoạn đê cũng khó chống chọi với mưa lũ”- ông Tài lo lắng nói.
Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại đây? - (PV) – “Một phần do thiên tai, phần còn lại là do tình trạng hút cát trộm kéo dài đã diễn ra trước đó trên suốt dọc tuyến sông Mã, từ xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa đến các xã vùng thượng lưu thuộc huyện Thiệu Hóa. Nạo hút cát đã khiến dòng chảy bị thay đổi, lòng sông sâu hơn, khiến phần kè mái đê và kè nắn dòng bị đứt chân, sạt lở là điều không thể tránh khỏi”- ông Tài bức xúc.
Được biết: Công trình kè hướng dòng Trạm bơm Hoằng Khánh dài gần 300 m xây dựng từ năm 1987, đến năm 2002 được nâng cấp, sửa chữa và kéo dài lên hơn 320 m. Đoạn kè có nhiệm vụ hướng dòng chảy sông Mã, chống bồi lấp cửa lấy nước cho Trạm bơm Hoằng Khánh.
Cần khắc phục khẩn cấp
Trước tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp tại Trạm bơm Hoằng Khánh, mới đây, Công TNHH một thành viên thủy lợi Bắc sông Mã – đơn vị quản lý chính đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa “kêu cứu”. Công văn nêu: “Hiện nay mùa mưa bão 2021 đang đến gần, nếu công trình kè hướng dòng Trạm bơm Hoằng Khánh không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa sẽ tiếp tục bị cuốn trôi và sạt lở, ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc. Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí 15 tỷ đồng để sửa chữa công trình…”.
Ngày 29/5, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp xuống thực địa thị sát và chỉ đạo khắc phục sạt lở công trình kè hướng dòng Trạm bơm Hoằng Khánh. Tại buổi làm việc này, các bên liên quan, đại diện các sở, ngành đã phân tích tầm quan trọng của kè nắn dòng Trạm bơm Hoằng Khánh và sự cần thiết phải có dự án sửa chữa sự cố hiện tại. Mùa mưa bão đang đến gần, nếu để lâu có thể sẽ gây hậu quả khó lường.
Ông Lê Đức Giang đồng ý chủ trương lập dự án sửa chữa khẩn cấp mà Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã và các ngành đề xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang yêu cầu: Phía Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã triển khai ngay các hồ sơ, thủ tục liên quan đến lập dự án sửa chữa, khắc phục công trình. Các sở, ngành liên quan cùng vào cuộc triển khai các phần việc chuyên môn liên quan đến ngành mình phụ trách. Sở NNPTNT lập dự án sửa chữa, đề xuất và báo cáo UBND tỉnh bằng văn bản trước ngày 20/6. Sở Tài chính có nhiệm vụ nghiên cứu để cân đối nguồn kinh phí cho thực hiện dự án sửa chữa.
Trong thời gian dự án sửa chữa chưa được triển khai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang yêu cầu Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã có các giải pháp tự khắc phục khó khăn, nỗ lực cung cấp đủ nước sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân. UBND huyện Hoằng Hóa phải tăng cường công tác quản lý khai thác cát trong khu vực, không để các tàu cát trái phép hoạt động, nhất là khu vực sông Mã qua đoạn sạt lở.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Giang khẳng định: “Đây là công trình cấp thiết, có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của nhiều địa phương của tỉnh nên việc sửa chữa, nâng cấp là rất cấp thiết. Trước mắt UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ quan, ban ngành liên quan khẩn trương khảo sát, đánh giá và hoàn tất hồ sơ trình UBND tỉnh. Việc sửa chữa bằng mọi giá phải xong trước khi mùa mưa bão 2021 về”.