Bỏ ‘chứng chỉ ngoại ngữ và tin học’ để giảm tiêu cực
Bộ Nội vụ vừa đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học với tất cả 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức. Theo đánh giá, đây là điều cần thiết để giảm thủ tục hành chính cũng như tiêu cực.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học với tất cả 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức.
Bên cạnh đó, giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng, để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Lý giải cho đề xuất trên, Bộ Nội vụ cho rằng, công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ với công chức, viên chức còn một số tồn tại. Đó là nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.
Bên cạnh đó, việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng. Bộ Nội vụ cũng nhận thấy có sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ GDĐT quy định.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc rà soát lại để giảm thủ tục hành chính là điều cần thiết, bởi nếu không nó lại trở thành những cái “gây áp lực”, thậm chí có tiêu cực.
Ông Dĩnh đưa ra phân tích: Quy định bắt buộc những chứng chỉ như tin học, ngoại ngữ là không cần thiết. Bởi thực tế đối với những sinh viên tốt nghiệp đại học thì vấn đề tin học cơ bản đều đạt được một số trình độ nhất định do được đào tạo trên ghế nhà trường. Cho nên đã tốt nghiệp đại học không cần thiết phải có chứng chỉ về tin học. Hay như ngoại ngữ cũng vậy, không phải vị trí nào cũng đòi hỏi phải có ngoại ngữ vì có nơi “tiếng dân tộc” có thể thay cho ngoại ngữ. Bỏ những chứng chỉ trên để giảm bớt những thủ tục hành chính không cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Dĩnh, tuy bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học nhưng trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng vẫn phải thi để đánh giá, đảm bảo nâng cao chất lượng. “Ví dụ như trong tuyển dụng, nâng ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, hạng viên chức đều có những yêu cầu khác nhau về trình độ. Vì vậy bỏ yêu cầu về chứng chỉ để giảm thủ tục hành chính nhưng vẫn phải thi để đảm bảo yếu tố chất lượng. Do đó tùy từng vị trí khác nhau mà có yêu cầu thi khác nhau. Thi lãnh đạo quản lý thì trình độ tin học hay ngoại ngữ cũng phải khác so với thi tuyển dụng đầu vào của sinh viên mới ra trường. Hay ở cơ quan Trung ương tại một số vị trí có giao tiếp, làm việc với nước ngoài thì yêu cầu về ngoại ngữ cũng phải khác so với những vị trí công tác khác”- ông Dĩnh cho hay.
Theo ông Trương Hải Long- Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ, việc giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là phù hợp, đúng đắn, nhận được sự đồng thuận lớn của các bộ, ngành, địa phương. Việc bỏ chứng chỉ không có nghĩa là không quy định về năng lực ngoại ngữ, tin học mà tùy theo yêu cầu vị trí việc làm, cơ quan tuyển dụng sẽ kiểm tra, sát hạch khi tuyển dụng, bổ nhiệm nhưng không yêu cầu nộp chứng chỉ nữa.