Đốt rơm rạ không chỉ ô nhiễm mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Cùng với việc thu hoạch cho vụ lúa xuân, nhiều tỉnh thành trên cả nước đang tiến hành xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng cách đốt ngay tại ruộng. Việc làm này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe con người, giao thông đô thị,...
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà con nông dân thường có thói quen đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng vì cho rằng việc đốt rơm rạ sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho đất hạn chế được sâu bệnh. Thế nhưng việc làm này làm cho nhiệt độ trở nên nóng hơn, suy thoái đất sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ vi sinh của đất, khiến đất bị thoái hóa và bạc màu.
Những ngày này, người dân không chỉ ứng phó với nắng nóng ở nhiệt độ 38-40 độ C mà còn phải chống chọi với sự ngột ngạt khác từ khói đốt rơm rạ. Thay vì mang rơm rạ khỏi ruộng, một số hộ dân phơi khô ngay tại ruộng và đốt.
Không những thế, khói bụi từ việc đốt rơm rạ còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong rơm rạ có các chất như: khí CO, SO2, NO2,...Những khí này rất độc,nếu hít phải ảnh hưởng đến sức khỏe đặc biệt là các bệnh liên quan về đường hô hấp.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số cánh đồng thuộc tỉnh Thái Bình, vẫn còn xuất hiện tình trạng đốt rơm rạ mặc dù trước đó UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc không đốt rơm rạ.
Chia sẻ với phóng viên, anh P.N.A. (huyện Kiến Xương) cho biết: “Đốt đi để xử lý đống cỏ, lấy tro làm phân bón, với lại để rơm nó lâu phân hủy. Ngày trước còn dùng bếp củi, rạ thì mang về đốt, bấy giờ hiện đại có bếp gas, bếp điện rồi mang về cũng không biết để đâu".
Chị N.L.C.( huyện Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, chị tan làm vào lúc 18h15, trên đường về khói bay mù mịt, xộc thẳng vào mắt và mũi, rất ngột ngạt. Bản thân lại đang có con nhỏ, về đến nhà đã thấy các cháu ho sặc sụa nên chiều đến là phải đóng cửa cho khói khỏi vào nhà.
“Tôi hi vọng chính quyền địa phương, có những giải pháp giúp người nông dân tận dụng nguồn nguyên liệu này, để họ phục vụ sản xuất; xử lý rơm bằng phương pháp hợp lý, hiệu quả”, chị nói thêm.
Khói dày đặc, giăng kín mọi nẻo đường, bao trùm lấy khu dân cư dẫn đến cản trở việc lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông. Khói làm giảm tầm nhìn của người đi đường, gây ra hiện tượng lóa mắt, mờ mắt vì khói dày và trắng. Thực tế đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra do việc đốt rơm rạ gần ngay các trục đường.
Đốt rơm rạ còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ cháy, nhất là trong thời điểm nắng nóng hiện nay.