Triển lãm ‘Những tấm gương bình dị mà cao quý’
Chiều 3/6, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã khai mạc trưng bày triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”.
Triển lãm trưng bày hơn 200 tài liệu, bài viết và hiện vật; giới thiệu đến công chúng 131 tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến.
Triển lãm được chia làm 2 phần: Phần I, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân ta”. Phần II, “Những tấm gương bình dị mà cao quý”.
Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: Các tấm gương được lựa chọn từ các nguồn của Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), Cục Công tác Đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) lựa chọn. Từ hơn 300 tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2020 - 2021, chúng tôi đã lựa chọn được 131 tấm gương.
Đây là lần thứ 9 trong các năm liên tiếp, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Triển lãm được trưng bày nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021); 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021) và Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Trong khuôn viên trưng bày của tầng 2, mỗi hình ảnh và bài viết đem tới cho khán giả những câu chuyện cảm động của các tập thể và phóng viên. Họ là những điển hình tiên tiến vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, không ngừng cố gắng, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tấm gương của anh Nguyễn Ngọc Mạnh 31 tuổi, cư trú ở xóm 4, thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, hiện làm nghề lái xe tải với hành động dũng cảm cứu cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 ở chung cư 60B, Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội còn gây xúc động tới người xem hôm nay. Khi cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh đến đặt vấn đề sưu tầm hiện vật đã được vợ chồng anh Mạnh hiến tặng: 1 bộ quần áo, 1 đôi giày anh đã mặc và mang khi cứu cháu bé; Bộ đồ nghề anh Mạnh đã từng sử dụng cắt tóc miễn phí (1 tông đơ, 1 kéo cắt, 1 kéo tỉa tóc, 1 lược nhựa, 1 khăn choàng màu xanh và một số đồ phụ kiện khác) do chị Phùng Thị Thủy - vợ anh Mạnh tặng anh dịp sinh nhật trước đây.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về cảm xúc của mình khi xem tất cả các tài liệu để thuyết minh cho người xem, hướng dẫn viên Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết: Trong 131 tấm gương tiêu biểu điển hình mà em đọc tài liệu thì em thấy xúc động nhất với tấm gương của em Ngô Minh Hiếu (cựu học sinh Trường THPT Triệu Sơn 5, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) là sinh viên trường Đại học Y Dược Thái Bình, là tấm gương sáng về tình yêu thương và lòng hiếu học.
Trong suốt 10 năm, Hiếu đã cõng bạn Nguyễn Tất Minh - Người bạn cùng xóm bị bại liệt hai chân và cả cánh tay phải đến trường. Có thể những tấm gương khác khiến em xúc động về sự hy sinh, về đức tính anh hùng, nhưng để làm được những việc đơn giản như cõng bạn đến trường trong 10 năm trời đằng đẵng thì không phải ai cũng kiên trì như thế. Để giúp bạn, Hiếu đã hi sinh bớt những hoạt động vui chơi của tuổi mới lớn, những niềm vui nho nhỏ của cuộc sống đời thường nhưng chưa bao giờ Hiếu phàn nàn hay bỏ cuộc.
Và cái kết có hậu đã diễn ra: Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Hiếu thi khối B với số điểm 28,15 (Toán: 9,40; Hóa: 9,75; Sinh: 9,0), còn Minh đậu khối A với điểm số 28,10 (Toán: 9,06; Lý: 9,25; Hóa: 9,25). Ước mơ của Hiếu sẽ trở thành bác sĩ giỏi để có thể chữa bệnh cứu người; còn mơ ước của Minh sẽ thi đậu vào khoa công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Về tấm gương tiêu biểu của tổ chức, người xem thấy rất nhiều tấm gương. Ví như Lữ đoàn Công binh 270, Quân khu 5. Năm 2020 là năm các tỉnh miền Trung chịu hậu quả to lớn do cơn bão số 9 (bão Molave) gây nên, đặc biệt là Thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam phải chịu hậu quả hết sức nặng nề.
Xuất phát từ trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao và tình cảm sâu nặng đối với quân, dân trên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 270 đã nhanh chóng tổ chức lực lượng, phương tiện đến hiện trường, khắc phục khó khăn về đường sá. Mặc cho mưa gió, đêm tối, Lữ đoàn 270 đã chạy đua với thời gian, dầm mình trong mưa lũ, cùng với các lực lượng của địa phương và đơn vị bạn đã cứu sống được 33 người dân, tìm kiếm 9 thi thể bị vùi lấp trong đống đổ nát, góp phần ổn định đời sống cho nhân dân trên địa bàn, làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới...
Triển lãm sẽ kết thúc vào tháng 9/2021. Cũng trong thời gian tới, trưng bày cũng sẽ được tổ chức ở một số địa phương.