Thi tuyển hay xét tuyển?
Đến thời điểm này, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương đầu tiên thông báo thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10, từ thi tuyển sang xét tuyển.
Theo đó, các trường THPT sẽ không thi tuyển vào lớp 10 mà chuyển sang hình thức xét tuyển dựa theo kết quả học tập, rèn luyện, đạo đức của các năm lớp 6, 7, 8 và 9 của HS. Chỉ riêng trường THPT Lê Quý Đôn, giữ nguyên theo kế hoạch được phê duyệt, tổ chức kỳ thi từ ngày 3 đến 5/6.
Ba lý do để Sở GDĐT Bà Rịa - Vũng Tàu tự tin việc tuyển sinh vào lớp 10 theo hình thức xét tuyển vẫn đảm bảo chất lượng và công bằng. Đó là 10 năm nay Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện thi tuyển vào lớp 10. Vì vậy, HS đã học bình thường vì biết muốn vào lớp 10 là phải thi nên việc làm đẹp hồ sơ chắc chắn không có. Nếu xét kết quả học lực lùi lại 4 năm (6, 7, 8, 9) thì kết quả này là học thật, không phải hồ sơ để xét tuyển.
Thứ hai, đến thời điểm này hồ sơ và việc đăng ký vào trường nào của HS đã chốt. Việc HS đăng ký vào lớp 10 này là để thi nên mặt công bằng đã có.
Thứ ba, về chất lượng khi chỉ đạo về chuyên môn cũng có những tương đồng giữa các trường do đều theo sát hướng dẫn, “khung” do phòng GDĐT các huyện thị đề ra. Như vậy, lý do nhiều người lo lắng nhất chính là việc làm đẹp học bạ để có lợi thế khi xét tuyển vào lớp 10 đã được lý giải.
Dù không thể đảm bảo 100% là học thật, thi thật nhưng những trường hợp làm đẹp học bạ theo Sở GDĐT tỉnh này chỉ là hãn hữu nên để ổn định tâm lý HS, an toàn mùa dịch thì đây là quyết định nhận được sự đồng tình của dư luận.
Hiện An Giang là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021-2022 do tỉnh này đã điều chỉnh kế hoạch thi vào lớp 10 sớm hơn 1 tuần so với trước đây, diễn ra vào hai ngày 29 và 30/5. Tiếp sau đó là Quảng Ninh cũng đã “về đích”. Riêng Bình Dương mới hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập đợt 1. Một số thí sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở; đến, về từ những nơi nghi ngờ, khu cách ly, Bình Dương sẽ tổ chức cho những thí sinh này thi lại đợt 2.
Tại Nghệ An, hơn 30.000 thí sinh trên địa bàn tỉnh đã trải qua ngày thi đầu tiên trong tiết trời nắng nóng gay gắt. Sáng nay, 4/6, các thí sinh sẽ hoàn thành môn thi cuối cùng là Toán. Trong đó, đề Ngữ văn được thí sinh và giáo viên nhận định là khá hay, với chủ đề xuyên suốt là “Bóng cả yêu thương”. Mức độ phân hoá của đề đạt yêu cầu, đáp ứng được mục đích của một kì thi tuyển sinh, phổ điểm có thể rơi vào mức 6 - 7.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được ví căng thẳng ngang, thậm chí hơn kỳ thi đại học bởi số HS không vào lớp 10 công lập chiếm từ 10%, thậm chí có nơi tới gần 40% số HS đăng ký dự thi vào lớp 10. Có ý kiến cho rằng nếu cứ hoãn thi, thay đổi kế hoạch thi vào phút chót… ít nhiều sẽ gây ra những áp lực tâm lý cho cả phụ huynh, HS và giáo viên.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng mặc dù ngành giáo dục và HS đã làm quen với những thay đổi trong học tập, thi cử vì diễn biến dịch Covid-19 nhưng với những kỳ thi quan trọng, áp lực nặng nề là không tránh khỏi. Việc chủ động thay đổi sang phương thức xét tuyển như Bà Rịa - Vũng Tàu trong tình thế hiện nay là việc đáng hoan nghênh. Vì không có sự chuẩn bị từ đầu nên sẽ không lo việc học bạ bị sửa chữa để phục vụ cho việc xét tuyển nên vẫn đảm bảo công bằng, khách quan.
“Các địa phương khác có thể cân nhắc phương án xét tuyển thay vì thi tuyển để chủ động cho năm học mới, nhất là những địa phương có nhiều thí sinh là F0, F1…”- GS Phạm Tất Dong đề xuất và khẳng định, nếu tổ chức thi tuyển, nhất định phải đặt mục tiêu đảm bảo an toàn về sức khỏe và chất lượng kỳ thi lên hàng đầu.