Điểm sáng trong khó khăn
Ngày 3/6, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5 để điểm lại tình hình kinh tế xã hội của tháng 5 và 5 tháng đầu năm. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh, chúng ta đã trải qua 1 tháng “chiến đấu” với Covid-19 biến thể mới, lây lan nhanh hơn, độc lực mạnh hơn. Khó khăn vì thế cũng nhiều hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay tại phiên họp đã khẳng định, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quy mô dịch lây lan rộng hơn, nhanh hơn, chủng virus nguy hiểm hơn và lây lan trong các khu công nghiệp, hoạt động tôn giáo... Nhưng, có điều không thể phủ nhận, đó là: Bằng nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các địa phương và mọi tầng lớp nhân dân, dịch bệnh tuy mạnh nhưng sẽ khó có thể tấn công mạnh hơn nữa; mà trái lại, nó đang bị kiểm soát chặt chẽ. Cùng với đó, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội được duy trì. Cuối tháng 5/2021, chúng ta đã tổ chức rất thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trước hết, nói về việc kiểm soát dịch bệnh. Có thể nói, làn sóng Covid lần thứ 4 ập vào nước ta khi kinh tế đang dần hồi phục, đời sống xã hội đang trở lại nhịp thường nhật nhưng tuy không mong muốn, chúng ta cũng không bất ngờ mà gần như ngay lập tức hệ thống phòng dịch vốn đã được đặt trong mức độ cảnh báo cao, lập tức vận hành trở lại.
Kể cả khi có những ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Hà Nội, Bắc Ninh hay tại Bắc Giang, trong các khu công nghiệp chúng ta vẫn bình tĩnh để khoanh vùng, dập dịch. Đặc biệt, chúng ta khoanh vùng, tấn công tổng lực bằng những mũi nhọn vào các vùng dịch nhưng không hề “ngăn sông cấm chợ”. Ngay trong một địa phương, ranh giới giữa vùng có dịch và vùng không có dịch chỉ là một tấm barie. Mọi hoạt động giao thương vì thế gần như không bị gián đoạn.
Chính nhờ sự điều hành quyết liệt mà chắc tay ấy, mà báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, trong tháng 5 và 5 tháng năm 2021 cho thấy: Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song vẫn đạt được các kết quả nổi bật. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất, tỷ giá ổn định, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài... Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn đang trụ vững, bất chấp đợt dịch Covid-19 thứ 4 đang hoành hành ở nhiều địa phương trong cả nước.
Trong đó, sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% so với tháng 4 và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ. Mức tăng trên được đánh giá là rất cao so với mức tăng chỉ 1% của cùng kỳ năm 2020 và cũng cao hơn mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng tới 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%). Cũng cần nói thêm là trong 2 tháng 4 và 5, sản xuất công nghiệp đạt được tốc độ tăng trưởng bằng với trước thời điểm dịch Covid-19 quay trở lại.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, tăng 8,8%. Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho biết, 5 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4%. Thu ngân sách Nhà nước đạt gần 676 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 50% dự toán năm. Như vậy là, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 dù gây khó khăn cho kinh tế- xã hội nhưng vẫn không đử sức làm khó ta.
Có được kết quả trên là bởi, chúng ta đã biết phát huy nội lực; biết cách vượt khó vươn lên một cách sáng tạo. Nói như thế không phải ta tự khen ta; mà quả thực suốt 2 năm qua, khắp thế giới, ngay cả những nước giàu, những nước phát triển cũng lao đao vì chịu ảnh hưởng của Covid-19. Tỉ lệ người thất nghiệp tăng cao trên thế giới, sản xuất đình đốn, sức mua giảm…
Với Việt Nam thì ta chỉ là một lát cắt trong bức tranh khó khăn chung cả thế giới. Nhưng, khi cả thế giới khó khăn, rõ ràng ta chẳng thể trông chờ nhiều vào sự trợ giúp của các nước mà phải tự lực; tự đi lên bằng đôi chân của mình. Nên được như thế là do ta tự vượt khó, do ta đoàn kết, đồng lòng.
Trong tháng 5/2021, cả nước có 11,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 150,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 72,2 nghìn người. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 13 tỷ đồng, tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Vài con số để thấy, so với năm trước thì có thể số doanh nghiệp đăng ký mới giảm nhưng cũng không đáng lo.
Bên cạnh đó, tín hiệu đáng mừng là sau 1 tháng quyết liệt chống dịch, tình hình đã cơ bản được kiểm soát; số ca trong cộng đồng đã được phát hiện truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Dù còn nhiều nguy cơ, thách thức đòi hỏi chúng ta không lơ là, chủ quan mà phải cảnh giác cao hơn nhằm sớm khống chế dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Muốn thế, lãnh đạo các cấp phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật như Thủ tướng đề nghị.