Chậm nhưng chưa muộn
Thời gian qua, do liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND, quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Theo đó, các công trình trên buộc phải có ít nhất hai lối thoát hiểm.
Dư luận xã hội cho rằng, tới ngày 31/5, UBND TP Hồ Chí Minh mới ban hành Quyết định 16 có vẻ như... hơi chậm, bởi đã xảy ra khá nhiều hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn thành phố. Song, dù chậm còn hơn không, dẫu sao thì việc liên quan đến mạng người sẽ không bao giờ là muộn cả. Hy vọng thiệt hại về người và tài sản sẽ giảm thiểu tối đa.
Cụ thể, tại Quyết định 16 yêu cầu: Đối với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phải có lối thoát hiểm đảm bảo chiều rộng thông thủy 0,8 m, chiều cao thông thủy 1,9 m. Những nhà đặc thù chỉ có một lối thoát hiểm cần phải đảm bảo có thêm lối thoát hiểm khác trên các tầng, sân thượng, tuyệt đối không dùng “chuồng cọp” bịt kín lối thoát hiểm.
Chủ hộ nhà ở riêng lẻ hay nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phải sắp xếp đồ đạc, hàng hóa gọn gàng, không cản trở lối thoát hiểm. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những nguyên nhân, nguy cơ cháy nổ. Các gia đình cần tự trang bị và sử dụng thành thạo phương tiện PCCC tại chỗ để giảm thiểu thiệt hại khi xảy cháy.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, các gia đình cần bố trí mỗi tầng ít nhất một bình chữa cháy, khoảng cách di chuyển đến bình chữa cháy không quá 20 m. Điều đó đảm bảo khi xảy cháy ở bất cứ vị trí nào trong nhà, mỗi người trong nhà đều có thể kịp thời xử lý, dập tắt đám cháy khi nó còn chưa bùng lên mạnh dẫn đến không thể cứu vãn.
Các gian phòng dùng để trữ hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải bố trí xa, ngăn cách riêng biệt với lối thoát nạn. Đặc biệt, không được bố trí đun nấu, thờ cúng tại khu vực sản xuất kinh doanh có chứa hàng hóa dễ cháy. Khi phát hiện có mùi khí gas, tuyệt đối không bật tắt công tắc điện, khóa ngay van bình gas, mở cửa thông gió để khí gas thoát ra ngoài...
Nếu thực sự những quy định trên được người dân thực hiện nghiêm túc, cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ, sẽ khó có thể xảy ra những vụ cháy lớn. Trong trường hợp có xảy cháy cũng không để lại hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Song, đâu phải lúc nào quy định cũng được người dân và cơ quan chức năng chấp hành nghiêm túc.
Nghi ngờ trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi từ rất lâu rồi, hành lang pháp lý điều chỉnh về vấn đề an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn đã khá đầy đủ nhưng nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều cá nhân, đơn vị vẫn lơ đi coi như không biết, dẫn tới hậu họa. Vậy thì lấy gì để đảm bảo người ta chấp hành quyết định nghiêm chỉnh hơn luật, nghị định?
Chẳng phải các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ: Các ngôi nhà cao tầng, chung cư, siêu thị... phải đảm bảo hệ thống PCCC được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt mới được đưa vào vận hành khai thác đó sao? Thực tế thì sao? Rất nhiều công trình hệ thống PCCC không hoạt động, thậm chí không có vẫn chật ních người đó thôi.
Nếu không xảy ra sự vụ gì thì “cả làng đều vui”. Nhưng khi xảy cháy và để lại hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng bao giờ cũng đổ lỗi cho người dân hoặc chủ đầu tư dự án đã không chấp hành quy định về PCCC. Thử hỏi, nếu cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, liệu những công trình không có hoặc hệ thống PCCC không đảm bảo có thể được đưa vào vận hành, khai thác được không?
Chắc chắn là không thể rồi. Đơn giản là nếu chủ đầu tư công trình xây dựng cố tình đưa vào vận hành khai thác khi chưa có cái “gật đầu” của cơ quan có thẩm quyền, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nặng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phải khẳng định rằng, ở rất nhiều trường hợp các công trình xây dựng không có hệ thống PCCC hoặc có nhưng dường như chỉ để “làm cảnh”, mà vẫn có thể đưa vào vận hành, khai thác là có sự thiếu trách nhiệm, nếu không muốn nói là tiêu cực của những người thực thi công vụ…
Vì thế, trong những trường hợp “bà hỏa” viếng thăm để rồi cướp đi sinh mạng của nhiều người, làm thiệt hại nghiêm trọng tài sản (vì hệ thống PCCC tại chỗ không hoạt động), có phần lỗi không nhỏ của cơ quan chức năng và những người thực thi công vụ trên địa bàn. Khi những người thực thi pháp luật còn chưa nghiêm túc thì liệu quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh có được thực hiện nghiêm chỉnh, để không khiến nhiều người mất mạng oan uổng?
Dẫu vậy, chúng ta hãy cứ lạc quan, hy vọng sau khi quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh có hiệu lực thi hành (10/6), nỗi đau mất mát về người và tài sản trong các vụ cháy sẽ được giảm thiểu tối đa. Sẽ không còn ai phải mất mạng oan uổng trong hỏa hoạn nữa. Văn bản dẫu chậm nhưng chưa muộn.