San sẻ vaccine để chặn Covid
Mỹ và một số nước châu Âu đã đạt được thành công nhất định trong cuộc chiến chống Covid-19 nhờ vào các chiến dịch tiêm vaccine nhanh chóng, thì đây cũng là lúc sự chia sẻ vaccine xuất hiện. Điều đó đến từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB).
Nhu cầu cấp thiết và cũng là mệnh lệnh đạo đức
Ngày 4/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch chia sẻ 80 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của mình cho các nước khác trên thế giới.
Theo đó, Mỹ sẽ đóng góp 75% số vaccine này cho sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX do Liên hợp quốc điều phối. Số vaccine này sẽ được ưu tiên dành cho các khu vực châu Mỹ Latinh và Caribe, Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi. 25% số vaccine còn lại sẽ được dành cho các tình huống khẩn cấp và chia sẻ trực tiếp cho các đối tác và đồng minh của Mỹ.
Trong số 25 triệu liều vaccine đầu tiên, Mỹ sẽ dành 6 triệu liều cho khu vực châu Mỹ Latinh và Caribe, 7 triệu liều cho khu vực Nam và Đông Nam Á, 5 triệu liều cho khu vực châu Phi, và 6 triệu liều cho các nước đối tác và láng giềng của Mỹ bao gồm Canada, Mexico, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Về quyết định chia sẻ vaccine của Mỹ, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc cho biết: “Việt Nam đánh giá cao việc Mỹ đóng góp 4 tỷ USD cho COVAX và việc Tổng thống Biden quyết định hỗ trợ bổ sung 80 triệu liều vaccine cho các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế”. Ông Hà Kim Ngọc cho rằng, đây là sự hỗ trợ kịp thời và giá trị đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Cùng ngày, Nhà Trắng cũng thông báo gỡ bỏ các hạn chế chia sẻ vaccine của AstraZeneca cũng như Sanofi và Novavax, các loại vaccine chưa được cấp phép sử dụng tại Mỹ. Động thái này sẽ cho phép các công ty này tự quyết định nơi chia sẻ vaccine của mình.
Hoan nghênh kế hoạch chia sẻ vaccine của Mỹ vừa được Tổng thống Joe Biden công bố, lãnh đạo IMF và WB ngày 4/6 cũng đã kêu gọi các nước thành viên nhóm G7 sớm hỗ trợ các nước đang phát triển với nguồn vaccine dư thừa của mình.
Trong tuyên bố chung tới nhóm G7, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva và Chủ tịch WB David Malpas đã kêu gọi các chính phủ và các công ty dược liệu tham gia thu mua vaccine thúc đẩy minh bạch về việc ký kết hợp đồng, tài chính và vận chuyển vaccine.
Lãnh đạo hai tổ chức này cũng cho rằng phân phối vaccine một cách rộng rãi vừa là một nhu cầu kinh tế cấp thiết, vừa là một mệnh lệnh đạo đức. Lãnh đạo IMF và WB sẽ có cuộc gặp trực tiếp trong hai ngày 4/6 và 5/6 với quan chức tài chính của các nước thành viên nhóm G7 và dịch bệnh Covid-19 dự kiến sẽ là chủ đề trọng tâm của các cuộc thảo luận.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức thương mại thế giới đã thông qua kế hoạch trị giá 50 tỷ USD của IMF nhằm chấm dứt dịch bệnh thông qua việc mở rộng tiếp cận vaccine cho các nước trên thế giới.
Trong khi đó, EU và ASEAN đã chính thức khởi động dự án “Chuẩn bị và ứng phó với đại dịch y tế ở Đông Nam Á”.
Theo kế hoạch, EU sẽ tài trợ kinh phí 20 triệu euro cho dự án để Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chủ trì thực hiện, nhằm tăng cường điều phối khu vực trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và tăng cường năng lực của các hệ thống y tế ở Đông Nam Á, trong đó đặc biệt chú ý đến các nhóm dễ bị tổn thương.
Tính đến nay, các quốc gia thành viên EU và các tổ chức tài chính đã cung cấp hơn 800 triệu euro để hỗ trợ ASEAN ứng phó với đại dịch Covid-19. Sự hỗ trợ được trao cho các cơ sở y tế và nhân viên y tế, cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân và chất khử trùng, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ thể chế.
EU lạc quan mở cửa
Trong bối cảnh lạc quan về những chiến thắng đạt được trong cuộc chiến chống Covid-19, ngoài việc chung tay với thế giới ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thì các nước châu Âu cũng đang mơ về một mùa du lịch hè sôi động tại khu vực.
Đối với người dân châu Âu, “Chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19” dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, đang được kỳ vọng sẽ trở thành “chìa khóa” để mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Bởi các nước châu Âu đã thiệt hại hàng trăm tỷ Euro từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến phải đóng cửa biên giới với bên ngoài gần 1 năm qua.
Theo thống kê, du lịch đóng góp khoảng 14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, trên 13% GDP Italia, gần 8% GDP của Pháp và thậm chí lên đến 20% GDP của Hy Lạp. Do đó, nếu mùa du lịch hè này thất bại, nền kinh tế của các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha sẽ chịu nhiều tổn thất.
Sự xuất hiện của giấy chứng nhận y tế không chỉ giúp thúc đẩy du lịch trong nội bộ các nước EU mà còn cho phép du khách từ các quốc gia ngoài liên minh nhập cảnh, đặc biệt là du khách từ Mỹ và Anh, hai quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao hàng đầu thế giới hiện nay.
Bà Gloria Guevara (Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới) đã gọi “Chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19” là một bước tiến lớn hướng tới sự phục hồi của ngành Du lịch, giúp các nước EU kịp thời đón lượng khách lớn vào mùa du lịch hè.
Mục tiêu của EU là tiêm chủng đầy đủ cho 75% số người trưởng thành vào cuối tháng 7 tới. Nếu theo đúng kế hoạch, các nước EU có thể tự tin sẽ mở cửa trở lại một cách an toàn. Cùng với ngành Du lịch, nhiều lĩnh vực kinh doanh, sản xuất khác cũng sẽ hồi phục. Theo dự đoán của Ủy ban châu Âu (EC), nền kinh tế khối này sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay.
Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu khởi sắc của mùa du lịch hè tại châu Âu, Cao ủy EU về thị trường nội khối Thierry Breton nhận định, ngành du lịch châu Âu sẽ cần thời gian để phục hồi hoàn toàn. Mặc dù đã được dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế và sẽ có “Chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19” làm giấy thông hành an toàn vào đầu tháng 7 tới, song số lượng người dân châu Âu đi du lịch nước ngoài sẽ chưa tăng mạnh ngay trong những tuần tới bởi đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen đi du lịch của người châu Âu.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ này vẫn gây ra những thách thức chưa thể đoán định trước. Điển hình như tại Anh, mới đây, Thủ tướng Boris Johnson đã phải thừa nhận nguy cơ về biến chủng virus đang gia tăng có thể khiến nước Anh lùi thời hạn gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế, dự kiến vào ngày 21/6.