Quỹ hỗ trợ điện ảnh: 15 năm vẫn nằm trên giấy

Phạm Sỹ 05/06/2021 07:10

Quỹ hỗ trợ điện ảnh là một trong những yếu tố khuyến khích và chia sẻ khó khăn với các nhà sản xuất phim Việt Nam. Thế nhưng, sau 15 năm, quỹ vẫn chỉ hoạt động trên giấy.

Cảnh trong phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng.

Cách đây 15 năm, vào năm 2006 khi Luật Điện ảnh ra đời đã đưa ra vấn đề thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Quỹ sẽ là tiền đề cho những dự án phim nghệ thuật có giá trị tư tưởng sâu sắc, là sự khích lệ các doanh nghiệp, cá nhân có tài năng ý tưởng sáng tạo. Và còn có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đào tạo đội ngũ trẻ.

Tại Điều 6 Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định rõ về quỹ hỗ trợ điện ảnh. Thời điểm đó, người ta thấy rõ tầm quan trọng của Quỹ hỗ trợ điện ảnh. Nhưng cho đến nay, sau 15 năm được đưa vào luật điện ảnh, các chi tiết thi hành vẫn chỉ nằm trên giấy.

Sở dĩ Quỹ hỗ trợ điện ảnh đến nay vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc về nguồn thu. Theo quy định chi tiết thì quỹ được hình thành từ 3 nguồn thu chính: Trích từ ngân sách nhà nước; huy động tài trợ và tỉ lệ phần trăm trên giá vé xem phim tại các rạp chiếu phim… Tuy nhiên, lại không quy định rõ về tỉ lệ phần trăm được trích từ doanh thu vé rạp. Chính điều này cho nên đến nay quỹ vẫn chỉ là dự án mà chưa đi vào thực hiện.

Nhiều ý kiến băn khoăn rằng: Tại sao vấn đề giá vé do nhà nước quy định rõ. Tỉ lệ ăn chia trong doanh thu của phòng chiếu giữa chủ phim và chủ rạp theo hợp đồng thỏa thuận kinh tế đã được xác lập từ lâu. Thế nhưng, cơ chế để quỹ có thể len chân vào chia tỉ lệ trong gói doanh thu lại chưa có cơ sở pháp lý để triển khai.

Trong đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), bà Ngô Phương Lan- nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng, việc thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh là việc khó: “Đây là việc khó, được đưa vào Luật Điện ảnh năm 2006 nhưng mười mấy năm chưa thực hiện được, vướng mắc nhất là ở nguồn thu cho quỹ. Nếu tiếp tục đưa vào như trong dự thảo mà không có đột phá, nghĩa là có cơ chế về nguồn thu từ phần trăm doanh thu bán vé xem phim thì vẫn bế tắc như cũ”.

Vậy là trên thực tế, để tồn tại và thực hiện được phim, nhiều cơ sở sản xuất phim vẫn phải trông vào sự trợ giúp từ các quỹ điện ảnh của các nước. Tất nhiên, kèm theo điều kiện được hỗ trợ về tài chính thì các nhà làm phim dễ dẫn đến lệ thuộc vào tên nhà sản xuất nước ngoài. Tức là về danh nghĩa các nhà làm phim chỉ có quyền tác giả chứ không có quyền sở hữu nữa.

Bộ phim “Một thành phố khác” của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân, từng phải đi tìm nguồn vốn từ các quỹ nước ngoài để sản xuất.

Điện ảnh Việt Nam đã khẳng định được vị trí nhất định và đang phát triển mạnh mẽ nhưng nếu như vẫn không thể nhận được sự hỗ trợ từ chính nước nhà thì vị trí và sự phát triển sẽ khó bền vững. Từ lệ thuộc tải chính dễ dẫn tới lệ thuộc về nội dung. Điều đó dẫn tới nguy cơ xa dần bản sắc dân tộc khi mà các “ông lớn” với nguồn vốn khổng lồ từ nước ngoài đang chi phối thị trường điện ảnh Việt Nam.

Bên cạnh đó, một trong những bất cập của điện ảnh hiện nay vẫn là chưa có sự phân định về chính sách hỗ trợ giữa các loại phim Việt cũng như phim nước ngoài.

Theo đó, các loại phim về thể loại giáo dục truyền thống, phim nghệ thuật, phim thương mại, phim giải trí… của Việt Nam cũng như nước ngoài đều chịu thuế là như nhau, Nhà nước không có chính sách khuyến khích, ưu tiên loại phim cũng như không hạn chế bất kỳ loại phim nào.

Vì thế cần có giải pháp hạn chế những sản phẩm điện ảnh không khuyến khích phổ biến rộng rãi. Bên cạnh đó, có những chính sách phù hợp như giảm thuế và ưu tiên, tạo điều kiện cho ngành điện ảnh sản xuất thêm nhiều tác phẩm có giá trị, đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc, Ông Nguyễn Thế Phong, Công ty Cổ phần sản xuất Phim Hoan Khuê (HKFilm) rất ủng hộ việc thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh. Ông cho rằng: “Chúng tôi rất ủng hộ và sẵn lòng đóng góp. Tuy nhiên, cần cân nhắc đến tình hình các rạp chiếu phim đang thiệt hại nặng nề về dịch bệnh và sự lớn mạnh của các nền tảng chiếu phim trên mạng trong tương lai. Việc quy định nguồn thu chỉ đến từ việc trích doanh thu chiếu phim tại các rạp sẽ gây mất công bằng cho các rạp chiếu và các nhà sản xuất phim chiếu rạp. Nên có điều khoản cho phép mở rộng nguồn thu ra tất cả các nền tảng chiếu phim theo điều kiện thực tế. Tiêu chí quỹ không vì mục đích lợi nhuận là xác đáng nhưng cần làm rõ hơn. Nên cho phép quỹ tạo ra lợi nhuận, miễn là phù hợp với tiêu chí và đường hướng hoạt động. Toàn bộ lợi nhuận sẽ được bổ sung vào nguồn vốn của quỹ”.

Có thể nhận thấy, nguyên nhân dẫn đến việc Quỹ hỗ trợ điện ảnh cho đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy chính là do chưa có cơ chế thu hút nguồn thu. Sự chậm trễ này càng kéo dài thì điện ảnh Việt Nam càng khó khăn. Và vô hình trung, lại tạo ra những lợi thế cho doanh nghiệp điện ảnh nước ngoài.

Phạm Sỹ