Chế ngự tai họa kép

Tinh Anh 05/06/2021 07:08

Trong bối cảnh cả xã hội phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lại xuất hiện cơn bão số 1 (tên quốc tế là Choi-Wan) ngoài Biển Đông là điều đáng lo ngại. Làm sao có thể an tâm, “bình chân như vại”, bởi nếu bão lũ “hợp sức” với dịch bệnh sẽ trở thành tai họa kép, đe dọa tính mạng và tài sản người dân.

Mọi người lo lắng cũng là điều dễ hiểu, bởi sức tàn phá của bão lũ như thế nào, đại dịch Covid-19 nguy hiểm ra sao, ai cũng đã được chứng kiến. Chỉ cần một trong hai tai họa đó “gây hấn” đã khiến cả xã hội điêu đứng, cuộc sống đảo lộn, mất người, mất của, nói gì đến việc cùng một lúc chúng “bắt tay nhau” phá hoại đời sống.

Nói có sách, mách có chứng. Từ khi đại dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta đã khiến hàng nghìn người nhiễm bệnh, hàng trăm nghìn người bị cách ly, hàng chục nghìn tỷ đồng đã phải tiêu tốn cho công tác phòng chống đại dịch chết người này. Đó là chưa kể ảnh hưởng to lớn của nó lên mọi mặt của đời sống xã hội, kìm hãm phát triển kinh tế...

Còn sự tàn phá ghê gớm của thiên tai, bão lũ thì khỏi cần chứng minh, bởi không ai xa lạ với nó. Mới cuối năm ngoái thôi, trận lũ lụt lịch sử tại dải đất miền Trung đã cướp đi sinh mạng hàng trăm người, cuốn bay hàng nghìn tỷ đồng tài sản của người dân. Chẳng thế mà các cụ liệt “giặc nước” vào hàng nguy hiểm số 1: Nhất thủy, nhì hỏa.

Thống kê của Bộ TN-MT cho thấy, trong năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Trên cả nước đã xảy ra 16/22 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất...

Cùng với đó là hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long. Thiên tai bão lũ đã làm 357 người chết và mất tích, trong đó do bão và áp thấp nhiệt đới là 25 người, mưa lũ và ngập lụt là 108 người, lũ quét và sạt lở đất là 132 người, lốc, sét, mưa đá là 54 người...

Thiên tai lũ lụt không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, mà còn làm gần 3.500 ngôi nhà bị sập, hơn 333.000 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 gia súc, hơn 4 triệu gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại lên tới gần 40.000 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2021 tới nay cũng đã thiệt hại gần 120 tỷ đồng.

Đó là đang tính hậu quả riêng rẽ của từng tai họa dịch bệnh hay thiên tai bão lũ đã ghê gớm như vậy. Nếu cùng một lúc chúng ta phải căng mình để chống chọi lại cả đại dịch Covid-19 và thảm họa thiên tai, thiệt hại có lẽ là sẽ đặc biệt nghiêm trọng, không thể cân, đo, đong, đếm hết được. Đó chẳng phải là tai họa kép hay sao?

Song, dù vậy chúng ta cũng vẫn phải chuẩn bị sẵn tinh thần để có phương án kịp thời ứng phó trong tình huống xấu nhất. Vừa phải đảm bảo phòng chống đại dịch Covid-19 có hiệu quả, không để bùng phát trên diện rộng, vừa phải phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng đồng thời không được lơ là chủ quan với thiên tai, bão lũ, sạt lở đất.

Muốn làm tốt được cả ba việc cùng một lúc không hề đơn giản chút nào. Vì thế, mỗi cá nhân, đơn vị, mỗi bộ, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu với bất cứ loại “giặc” nào khi chúng dám xâm phạm mới có thể giành thắng lợi. Ngoài ra, cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể, có phương án khả thi phòng khi xảy ra tình huống xấu.

Trong bất cứ thảm họa nào, dù là thiên tai, địch họa, hay dịch bệnh..., nếu có sự chuẩn bị tốt, tinh thần sẵn sàng đối mặt, thì thiệt hại sẽ được giảm thiểu tối đa. Còn nếu lơ là, tắc trách, thậm chí vô trách nhiệm, thì thiệt hại về người và tài sản sẽ là khôn lường. Thực tế bao năm qua đã chứng minh rất rõ chân lý bất di bất dịch ấy.

Vẫn biết việc lấy sức người chống chọi với thiên tai, dịch bệnh như lấy trứng chọi với đá, song không có nghĩa chúng ta “buông tay chịu trói”. Có thể lấy ví dụ ngay từ việc phòng chống đại dịch Covid-19. Chẳng phải với nỗ lực của cả xã hội trong phòng chống Covid-19 đã giúp Việt Nam trở thành điểm sáng, khiến thế giới phải nể phục đó sao?

Dẫu thiên nhiên có hung dữ đến đâu, khắc nghiệt như thế nào, nhưng nếu chúng ta luôn chủ động ứng phó với nó thì không có gì đáng sợ cả. Dù dịch bệnh có nguy hiểm ra sao, nhưng nếu chúng ta có “chiến lược, chiến thuật” rõ ràng thì vẫn có thể giành chiến thắng. Khi chúng ta đoàn kết thành một khối thống nhất sẽ dễ dàng chế ngự tai họa kép.

Tinh Anh