Bình tâm khi kẹt lại Nhật Bản
Chùa Đại Ân ở thành phố Honjo tỉnh Saitama (Nhật Bản) mấy hôm nay đông hơn thường lệ. Đó là bởi sự có mặt của ông Tabata Koichi - Chủ tịch Hiệp hội Khuyến nông tỉnh Saitama và các thành viên của Hiệp hội đến để dạy cách gieo trồng một số loại rau củ cho những người Việt bị mắc kẹt do đại dịch Covid-19, đang tá túc tại chùa. Miệng nói, tay làm, ông Tabata vừa hướng dẫn lý thuyết, vừa chỉ cách lựa chọn hạt giống để gieo trồng cho phù hợp với từng mùa vụ tại Nhật Bản.
Những cánh cửa đã mở ra…
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người Việt và các du học sinh bị mắc kẹt lại, không có việc làm trong khi chi phí hàng ngày vẫn phải chi trả khiến họ lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Rất may, trong thời gian này, đã có những mái nhà mở rộng cánh cửa đón họ.
Trong đợt dịch Covid-19, mỗi tháng chùa Đại Ân tại tỉnh Saitama tiếp nhận trung bình khoảng 150 người Việt cơ nhỡ và tính 1 năm qua đã có 2.000 người Việt tìm đến nhà chùa xin giúp đỡ.
Từ tháng 4/2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành ở Nhật, sư cô Thích Tâm Trí đã giúp đỡ khoảng 300 người Việt, đưa họ đến tá túc ở chùa Đại Ân và một số địa điểm khác trong thời gian chờ tìm việc hoặc chờ chuyến bay về nước.
Những người Việt ở đây được hỗ trợ ăn uống và chỗ nghỉ hoàn toàn miễn phí. Một số tổ chức, cá nhân cả Nhật Bản và Việt Nam cũng đã đến hỗ trợ giúp đỡ những người Việt đang tá túc tại chùa.
Ông Tabata và những người trong Hiệp hội Khuyến nông tỉnh Saitama cũng vậy. Ông bảo, vì mình cũng là nông dân nên nghĩ rằng hỗ trợ bằng hình thức tự cung tự cấp sẽ tốt hơn. Việc tự mình trồng rau, củ rồi thu hoạch cũng sẽ tốt hơn cho sức khỏe của mọi người trong quá trình lưu trú ở đây. Hiệp hội đã cho nhà chùa thuê lại mảnh đất rộng khoảng 1000m2 với giá rất rẻ để họ tăng gia sản xuất.
Theo ông Tabata, dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài nên ông hy vọng những người Việt đang tá túc ở đây có thể tự tạo được nguồn thực phẩm ổn định cho bữa ăn hàng ngày. Giống cây, phân bón và dụng cụ cho lớp học được đóng góp từ nhiều nhà hảo tâm tại Nhật Bản.
Hiệp hội Khuyến nông tỉnh Saitama cử nhân viên đến hỗ trợ thường xuyên, cho đến khi tình trạng bình thường trở lại. Đồng thời Hội cũng sẽ giới thiệu việc làm cho người Việt đang gặp khó khăn. Đón nhận tình cảm này, bà con người Việt ở đây vô cùng cảm động, đúng là càng trong khó khăn càng thấy ấm áp nghĩa tình, sự sẻ chia của những người bạn ở xứ xở Mặt trời mọc.
Ở thành phố Nagoya cũng có một ngôi chùa những ngày qua luôn mở rộng cửa đón những người Việt khó khăn vào tá túc. Chị Thùy Dương, làm việc tại Hội Người Việt ở Nagoya chính là cầu nối giúp các hoàn cảnh khó khăn, những người đang mắc kẹt ở Nhật Bản do dịch Covid-19 vào ở nhờ trong chùa.
Trong thời gian chờ tìm việc hoặc chờ chuyến bay về nước mọi người tranh thủ học tiếng Nhật, nấu các món ăn và tham gia trồng rau ở vườn chùa. Ngoài ra, một số y bác sĩ thiện nguyện ở Nhật Bản mỗi tuần một lần cũng đến đây thăm khám sức khỏe cho mọi người nên ai cũng thấy rất thoải mái và yên tâm.
Theo lời chị Thùy Dương, sư trụ trì là một người có tấm lòng bồ tát, sẵn sàng đón nhận không chỉ người Việt mà người nước ngoài nào đang mắc kẹt do dịch Covid-19 chưa thể về nước. Ngoài sư trụ trì chùa, cũng có nhiều tổ chức phi lợi nhuận, hiệp hội, đơn vị, tổ chức đến đóng góp chung tay để giúp đỡ mọi người trong lúc khó khăn.
…Và những đêm không ngủ
Tính đến năm 2019, người Việt là nhóm người nước ngoài tăng nhanh nhất tại Nhật với số lượng lên đến 410.000 người, tăng 24,5% so với năm trước. Tác động của dịch Covid-19 khiến cho cộng đồng người Việt lao đao, đặc biệt là rất nhiều người Việt trẻ. Thời gian qua, ngoài sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân thì nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản giúp đỡ.
Theo đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, nhiều đêm đích thân Đại sứ trực tiếp đón công dân không nhà cửa lên Đại sứ quán kêu cứu. Hơn 10 trường hợp bị ung thư nặng phải có bác sĩ tháp tùng đã được Đại sứ quán hỗ trợ đưa về nước.
“Chúng tôi cũng biết ơn các bạn Nhật Bản đã hết lòng hỗ trợ người Việt Nam bị hoạn nạn. Nhiều bệnh viện miễn phí chữa bệnh, cử bác sĩ đi cùng bệnh nhân về Việt Nam. Bác sĩ Nhật về tới sân bay Việt Nam giao bệnh nhân cho người nhà rồi lại chờ ngay tại sân bay Việt Nam để lên chuyến bay quay lại Nhật Bản. Đó là những tình cảm quý giá cảm động của nhân dân Nhật Bản mà chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ” - theo lời Đại sứ Vũ Hồng Nam.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng tích cực vận động, kêu gọi các hội đoàn cá nhân người Việt cũng như các tổ chức, công ty, nhà hảo tâm người Nhật ủng hộ, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật.
Phong trào quyên góp mang tên “Món quà yêu thương” do Đại sứ quán phát động đã quyên góp được tổng cộng 20 tấn gạo, phát cho 2.000 công dân khó khăn và 3.400 phần quà khuyến học, mỗi phần quà trị giá 50.000 yên (khoảng 11 triệu đồng) cho các học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc.
Ngoài ra, hàng nghìn công dân không có chỗ ở cũng đã được cưu mang, bố trí ăn ở miễn phí tại các khu nhà tạm trú do Đại sứ quán phối hợp với Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản và các nhà hảo tâm tổ chức tại Tokyo và 3 tỉnh Saitama, Kanagawa và Chiba.