Tranh cãi xung quanh đề thi Ngữ văn vào 10: 'Nếu phải ở trong nước sôi…'
Mới đây, câu hỏi "Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng" trích trong đề thi Ngữ văn vào 10 của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) đã khiến nhiều cư dân mạng xôn xao bàn tán.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Năm học 2021 - 2022) diễn ra vào ngày 4/6/2021. Trong đó, câu hỏi phần nghị luận xã hội đã được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Cụ thể nội dung câu hỏi như sau:
"Trong cuốn sách "Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng", Lu-Mannup đã chia sẻ: "Phương Tây có câu ngạn ngữ: “Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng”. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu.
Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên".
Sau khi đề thi được đăng tải lên mạng xã hội, đã có nhiều ý kiến bày tỏ “thắc mắc” về câu lệnh “Nếu phải ở trong nước sôi…” của đề thi đưa ra.
Tài khoản Văn Công Hùng bày tỏ: “Nhà cháu đọc đề xong cũng toát mồ hôi, cũng hình dung mình đang trong... nước sôi, ahuhu”.
Bạn học sinh Nguyễn Ngọc chia sẻ: “Mọi người chọn quả trứng hay củ khoai tây? Chứ em là em không muốn ở trong nước sôi đâu”.
Tài khoản Huyền JinBon lại cũng để lại bình luận: “Con bé nhà cháu cũng vừa hỏi mẹ chọn làm trứng hay khoai tây? Cháu bảo: khoai tây hay trứng cũng được, mềm cũng tốt mà cứng cũng tốt”.
Chia sẻ quan điểm cá nhân về đề Văn, TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên là giáo viên trường THPT Chu Văn An bày tỏ ngay từ đầu cô đã không thực sự chia sẻ với câu ngạn ngữ. Bởi cô Tuyết cho rằng “nước sôi” là “hoàn cảnh khắc nghiệt, đáng sợ với cô Cám bị chị Tấm thảo hiền cho tắm trắng”, nhưng “nước sôi” cũng “là điều kiện lí tưởng cho một ấm trà để tỏa hương và trọn vị!”.
“Tất nhiên đó chỉ là quan niệm chủ quan, cá nhân, còn đây vẫn là câu ngạn ngữ quen thuộc mà nhiều người thường sử dụng”, cô Tuyết nói thêm.
Về câu lệnh đang khiến cộng đồng mạng tranh cãi, cô cho rằng câu lệnh “quả thực có vấn đề”. Theo cô: “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên”. Thông điệp đề bài định hướng cho học sinh là bàn luận về bản lĩnh nội tại trước nghịch cảnh cuộc sống. Vấn đề đặt ra tốt, hữu ích, nhất là trong cuộc sống thời hiện đại vốn luôn quá nhiều thử thách.
Tuy nhiên, cách diễn đạt ý giả định trong câu lệnh “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng?” khiến người đọc thấy phản cảm - không ai thấy thoải mái khi hình dung mình ở trong “nước sôi” và loay hoay chọn lựa cách làm “củ khoai tây hay quả trứng” - những liên tưởng va chạm với tầng nghĩa đen khiến bất kì ai cũng thấy không ổn - riêng tôi, luôn liên tưởng tới cô Cám, sự liên tưởng làm tắt ngấm mọi hứng thú bàn luận thông điệp!
Theo quan điểm của cô Tuyết, “sẽ giản dị, minh triết hơn nếu thay bằng câu lệnh: “Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về thông điệp em nhận được từ quan niệm trên”.