Một mùa thi đặc biệt

Miên Thảo 07/06/2021 06:35

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như nhiều địa phương trong cả nước cùng gấp rút lên kế hoạch thi ở khối lớp chuyển cấp, tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học. Đây là một mùa thi rất đặc biệt nên cách tổ chức thi cũng phải đặc biệt.

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, từ kinh nghiệm của năm 2020, Bộ GDĐT cùng các địa phương sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 như sau: Nếu đến gần mốc thời gian ngày 7-8/7, vẫn có những nơi phải thực hiện phong tỏa hay cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 thì đợt thi ngày 7-8/7 chỉ tổ chức cho những nơi an toàn và cho những thí sinh không thuộc diện F0, F1, F2.

Bộ GDĐT sẽ cùng các địa phương tổ chức thêm đợt thi thứ hai cho các đối tượng thí sinh chưa thể thi được ở đợt thi thứ nhất. Thời gian thi cụ thể sẽ được Bộ và các địa phương tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm việc phòng, chống dịch Covid-19. Ông Trinh cũng lưu ý các thầy cô giáo, cán bộ, học sinh trong thời gian này hạn chế đi lại những nơi không thực sự cần thiết.

Còn với tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhất là với thí sinh xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng bằng cách sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ông Trinh cho biết, Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học điều chỉnh về phương thức, thời gian, chỉ tiêu tuyển sinh để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh xét tuyển bằng cách sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều đợt khác nhau; sẽ xây dựng đề thi cho các đợt thi khác nhau bảo đảm sự tương đồng về độ khó để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh dự thi ở các đợt thi khác nhau.

Như vậy là với lịch thi tốt nghiệp THPT cùng với việc xét tuyển vào đại học, cho đến thời điểm này cũng chưa hẳn đã “chốt” được. Đó cũng là điều dễ hiểu vì phải phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19. Nhưng thực tế ấy cho thấy mùa thi năm nay không chỉ nhà trường vất vả mà cả phụ huynh lẫn học sinh cũng khó khăn.

Trong tình thế đó, một số địa phương đã chủ động phương án thi để đối phó với dịch. Ví dụ như tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh này cho biết việc tuyển sinh lớp 10 các trường THPT trên địa bàn tỉnh được điều chỉnh từ thi tuyển sang xét tuyển. Hình thức này nằm trong quy chế của Bộ GDĐT, với quy định 3 hình thức tuyển sinh: Thi tuyển, xét tuyển kết hợp thi tuyển, xét tuyển. Trong điều kiện dịch bệnh, Bà Rịa-Vũng Tàu chọn hình thức xét tuyển để đảm bảo phòng dịch. Hình thức xét tuyển cụ thể là các trường THPT căn cứ vào nguyện vọng thí sinh đã đăng ký, thực hiện xét tuyển bằng kết quả rèn luyện và học tập các lớp 6,7, 8, 9 ở cấp trung học cơ sở của học sinh.

Với Hà Nội, chuyện thi cử cũng nóng ran suốt những ngày qua, tới nay vẫn chưa hạ nhiệt. Cho tới ngày 2/6, UBND thành phố mới đồng ý tờ trình của Sở GDĐT về việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022. Lịch thi được điều chỉnh cụ thể như sau: Sáng 12/6, thí sinh thi Ngữ văn 90 phút (8 giờ 30 - 10 giờ) và Ngoại ngữ 45 phút (từ 10 giờ 30 - 11 giờ 15 phút). Thời gian nghỉ giữa hai môn là 30 phút. Sáng 13/6, thi Toán 90 phút (8 giờ 30 - 10 giờ ) và Lịch sử 45 phút (10 giờ 30 - 11 giờ 15 phút). Thời gian nghỉ giữa hai môn là 30 phút. Việc làm thủ tục dự thi, học Quy chế thi, đính chính sai sót sẽ được triển khai theo hình thức trực tuyến trong ngày 11/6.

Trước đó, Sở GDĐT Hà Nội đã công bố lịch thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 diễn ra vào ngày 10 và 11/6.

Với những “thí sinh đặc biệt” trong năm học “đặc biệt” này, Hà Nội quy định: Nhóm 1 (thí sinh thuộc diện F0, F1) được tuyển thẳng vào trường THPT công lập mà thí sinh đã có nguyện vọng đăng ký dự tuyển theo quy định phù hợp với nơi cư trú của thí sinh. Nhóm 2 (thí sinh thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly theo quy định, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa) thì áp dụng phương thức xét tuyển căn cứ vào điểm xét tuyển của thí sinh được tính theo công thức chung do Sở GDĐT đưa ra.

Năm nay Hà Nội có hơn 93.300 thí sinh dự thi vào lớp 10. Trong số này, lãnh đạo Sở GDĐT cho biết hiện có 11 thí sinh thuộc diện F1, 133 thí sinh thuộc diện F2.

Nhiều người cho rằng với những hình thức thi, xét tuyển sẽ khó có được chất lượng cũng như sự công bằng cho các thí sinh, kể cả với học sinh chuyển cấp. Nhưng, như đã nói, một năm học đặc biệt thì cũng phải có cách hành xử đặc biệt. Thời gian không còn nhiều để “bàn ra bàn vào”, cần có quyết định sớm, rõ ràng từ Bộ GDĐT cũng như từ các địa phương, nhất là những địa phương trong vùng dịch, để thầy cô yên tâm, học trò yên tâm, các gia đình yên tâm. Vì rằng, tới nay mọi người vẫn đang có nhiều lo lắng về việc học và thi của năm học này, mà kết quả của nó sẽ còn kéo sang cả năm học mới 2021-2022.

Miên Thảo