Tuýt còi ngăn sông cấm chợ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, bộ, ngành Trung ương phải đảm bảo kiểm soát tốt nguồn lây đại dịch Covid-19, nhưng không được “ngăn sông cấm chợ”, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế và cuộc sống người dân. Vừa qua, một số tỉnh ban hành quy định theo kiểu “một mình một chiếu”.
Tại công điện gửi các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh ngay việc đưa ra những quy định phòng dịch vượt quá mức cần thiết, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, ngăn trở việc giao thương hàng hóa, kìm hãm phát triển kinh tế. Các địa phương không được phép quy định cách ly trái khuyến cáo của Bộ Y tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra các yêu cầu trên trong bối cảnh một số địa phương đã có biểu hiện “cát cứ”, “ngăn sông cấm chợ”, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống thường ngày của nhân dân. Không chỉ vậy, giao thương hàng hóa giữa các vùng miền bị đình trệ, bởi hầu hết lái xe đều sợ bị cách ly 21 ngày từ “lệ làng” của địa phương.
Nói như vậy không hề ngoa, bởi đã có tỉnh Đồng Nai ban hành quy định cách ly 21 ngày đối với người về (hoặc đến) từ TP Hồ Chí Minh. Sau đó tỉnh Bình Thuận cũng ra thông báo người đến (hoặc về) từ TP Hồ Chí Minh phải khai báo y tế để được hướng dẫn cách ly khiến nhiều người dân thấp thỏm bất an, không dám “lai vãng” tới thành phố này.
Sau khi truyền thông lên tiếng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã “nói lại cho rõ” rằng biện pháp của địa phương này không phải là “ngăn sông ấm chợ”, mà chỉ là không muốn người lao động đi về tăng thêm ổ dịch.
Chỉ vì sợ tăng thêm ổ dịch tại địa phương mình, tỉnh Đồng Nai sẵn sàng ban bố mệnh lệnh “ngăn sông, cấm chợ”, bất chấp việc ngừng trệ lưu thông hàng hóa, làm đảo lộn cuộc sống của người dân, gây khó khăn cho việc đi lại của người lao động. Vậy là chỉ vì thành tích phòng chống đại dịch Covid-19, tỉnh Đồng Nai bất biết hậu quả cho xã hội.
Đáng tiếc, không chỉ có tỉnh Đồng Nai, còn khá nhiều tỉnh, thành phố khác cũng tỏ ra “dị ứng” với người đi (đến) từ TP Hồ Chí Minh, nên đã ban hành những quy định vượt quá mức cần thiết. Những quy định theo kiểu cục bộ địa phương không chỉ cản trở phát triển kinh tế, mà còn khiến người dân lo lắng.
Chính tại Chỉ thị 16 (có mức độ phòng chống đại dịch Covid-19 cao nhất) của Thủ tướng Chính phủ cũng đã cấm việc “ngăn sông cấm chợ”: Chỉ dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, còn các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa vẫn được hoạt động.
Chỉ thị 16 cũng nêu rõ: Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân. Song, phải bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương phải bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với chỉ thị số 16...
Không chỉ có Chỉ thị 16, tại rất nhiều văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của các Phó Thủ tướng, nhất là của Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch Covid-19 Vũ Đức Đam, đều yêu cầu các địa phương không được tự ý đưa ra những biện pháp không cần thiết để gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Song, một số địa phương vẫn đưa ra những quy định trái khoáy mang tính cục bộ địa phương. Đó là lý do Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi công điện yêu cầu các địa phương chấn chỉnh những hành vi tương tự.
Vào những lúc cam go như thế này đây, chỉ có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng đại dịch Covid-19. Nếu mỗi địa phương đều ích kỷ, chạy theo thành tích, không cần biết đến các địa phương khác thì liệu có thể tạo thành một khối thống nhất đẩy lùi dịch bệnh? Một ốc đảo giữa sa mạc liệu có thể tồn tại được bao lâu?
Hãy đặt mình vào vị trí người khác để có thể thấu cảm, chia sẻ khó khăn, chứ đừng chỉ biết nghĩ đến bản thân. Nếu ta không vì người, thì ai sẽ vì ta đây? Ta không tốt với ai thì cũng đừng mong ai tốt với ta cả. Hãy nhớ lấy chân lý ấy!