Lỗ hổng từ những bệnh án tâm thần
Gần đây xuất hiện một số vụ liên quan đến các trường hợp đang trong thời gian điều trị tâm thần trong bệnh viện nhưng lại ra ngoài gây ra những vụ án nghiêm trọng. Vấn đề đặt ra là có hay không việc lợi dụng bệnh án tâm thần để trốn tránh pháp luật và lỗ hổng trong việc này ra sao.
Tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, khi vụ một bệnh nhân tâm thần biến phòng điều trị thành “động bay lắc”, mua bán trái phép chất ma túy, thậm chí đưa cả gái dịch vụ vào phòng điều trị trong bệnh viện - chưa rõ hồi kết thì mới đây Công an Hà Nội lại phát hiện một đối tượng có bệnh án tâm thần nhưng vẫn điều hành đường dây bảo kê, tín dụng đen. Đối tượng là Nguyễn Việt Dũng, 39 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Cuối tháng 5 vừa qua, Dũng cùng 6 nghi phạm khác bị Công an Hà Nội bắt giữ. Theo cơ quan điều tra, Dũng là bị can trong một vụ án giết người xảy ra tại quận Cầu Giấy từ năm 2011. Sau khi gây án, Dũng bỏ trốn, sau đó đối tượng làm bệnh án tâm thần rồi ra đầu thú. Nhờ bệnh án này, Dũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. Nhưng thật đáng sợ, thời gian này Dũng vẫn ra ngoài xã hội để chỉ đạo, điều hành hàng chục đàn em thực hiện hành vi bảo kê bến bãi, cho vay nặng lãi.
Như vậy, riêng tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, chỉ trong một thời gian ngắn đã có 2 vụ phạm pháp rất nghiêm trọng của “bệnh nhân tâm thần” được phát hiện.
Xin được nhắc lại, tối 31/3/2021, dư luận rúng động trước thông tin một bệnh nhân cầm đầu đường dây ma túy ngay trong Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. Đối tượng cầm đầu là Nguyễn Xuân Quý (trú tại Thanh Trì, Hà Nội). Theo cơ quan điều tra, từ tháng 11/2018, Quý bắt đầu điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 và đã nhiều lần ra khỏi bệnh viện. Đầu tháng 1/2021, Quý bị Công an quận Hai Bà Trưng bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, nhưng do có bệnh án tâm thần nên được trả về bệnh viện để điều trị. Đến tháng 2/2021, Quý đã cải tạo buồng điều trị thành nơi sử dụng trái phép ma túy. Thời điểm bị bắt, khám xét nơi ở, cơ quan chức năng thu giữ 6,1kg ma tuý tổng hợp.
Về vụ này, cho tới 2 tháng sau Giám đốc bệnh viện mới bị lãnh đạo Bộ Y tế cách chức. Nay thêm vụ bệnh nhân bằng cách nào đó ra khỏi viện để điều hành nhóm bảo kê bến bãi, cho vay nặng lãi thì đúng là “tội chồng tội” và lỗ hổng trong khâu quản lý ở bệnh viện tâm thần là rất lớn. Trong một số trường hợp, bệnh án tâm thần đã trở thành tấm bình phong để nhiều đối tượng trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Hiền, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội, các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy đã làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong khi nếu có kết luận đối tượng bị tâm thần thì cơ quan công an không xử lý được mà phải đưa đi chữa bệnh bắt buộc. Thượng tá Hiền cũng cho rằng, do chưa có những quy định cụ thể về thời gian chữa bệnh bắt buộc, nên nếu có sự tiếp tay của các bác sĩ, bệnh nhân sẽ có thời gian điều trị rất dài. Ngoài điều trị nội trú, bệnh nhân cũng có thể điều trị ngoại trú, rất khó kiểm soát.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SB Law), cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong bệnh viện. Trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các đối tượng vi phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “che giấu tội phạm” được quy định tại Điều 389; hoặc tội “không tố giác tội phạm” được quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự.
Cũng cần nhắc lại, trước khi dính lùm xùm 2 vụ kể trên thì Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 từng gây rúng động khi bị phát hiện làm giả 78 bệnh án, trong đó có 41 bệnh án của các tội phạm hình sự “cộm cán”. Qua điều tra xác định, những người này phải chi khoảng 85 triệu đồng để có được bệnh án tâm thần, nhằm trốn tránh việc xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Theo chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn, hành vi của các đối tượng là nhân viên, cán bộ y tế làm giả bệnh án tâm thần không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn là hành vi bao che, tạo điều kiện để đối tượng hoạt động phạm tội công khai, lộng hành.
Ông Thìn cho rằng, ngoài trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật, thì rất cần sự công tâm của ngành y tế trong việc giám định tâm thần, bởi kết luận giám định pháp y tâm thần là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Và việc chứng minh một người có tâm thần hay không phụ thuộc vào kết quả của Hội đồng giám định pháp y.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh bạch (Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi làm giả bệnh án tâm thần, theo quy định của pháp luật hình sự, có dấu hiệu vi phạm vào nhóm tội liên quan việc làm giả giấy tờ tài liệu, như tội giả mạo trong công tác và tội làm giả con dấu, tài liệu; sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Xác nhận sai cho những đối tượng không có biểu hiện tâm thần “bị” tâm thần, để cấp bệnh án tâm thần, thì khung hình phạt nhẹ nhất là từ 1-5 năm tù, nặng nhất là từ 12-20 năm tù.