Thế giới tính chuyện chia vaccine

Phan Quang Vũ 07/06/2021 07:15

70% dân số toàn cầu cần được tiêm vaccine phòng Covid-19. Đó là con số ước tính để thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng. Giới khoa học cho rằng vaccine là vũ khí cần thiết nhất để chống dịch, nhưng để phân phối được khoảng 5,5 tỷ liều vaccine Covid-19 cho toàn thế giới thì không hề đơn giản.

Thiếu vaccine, số người được tiêm ở châu Phi rất ít.

Tính tới ngày 6/6, ước tính gần 1 tỷ người trên toàn thế giới đã được tiêm 1 liều vaccine ngừa Covid-19, nhưng như vậy có nghĩa là còn gần 7 tỷ người vẫn chưa được tiêm. Đáng chú ý, một nửa số liều vaccine trên thế giới hiện nay tập trung tại các nước phát triển, chủ yếu là Mỹ và châu Âu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở các nền kinh tế lớn là 25%, so với mức 0,2% ở các nước thu nhập thấp.

“Chủ nghĩa dân tộc vaccine” như một thách thức mang tính toàn cầu

Sarah Schiffling - chuyên gia về chuỗi cung ứng dược phẩm và cứu trợ nhân đạo (Đại học Liverpool John Moores) cho biết, giới khoa học không đột ngột ngừng sản xuất mọi loại vaccine khác nhưng đang đặt mục tiêu hàng đầu cho vaccine Covid-19. Nhưng cũng không thể “ngay tức khắc” có đủ số vaccine đó.

Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, dự kiến sản xuất một tỷ liều vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca trong năm 2021. Nhưng để đạt được tốc độ đó, họ đã phải mất nhiều tháng để chuẩn bị.

Việc phát triển thành công một số loại vaccine hiệu quả ngừa Covid-19 trong vòng chưa đầy một năm là kỳ tích của nhân loại. Tuy nhiên, cũng vì thế mà bức tranh đối lập giữa nước giàu và nước nghèo được khắc họa rõ nét hơn. Các nước phát triển, với nguồn lực dồi dào sẽ thu mua số lượng khổng lồ vaccine để tập trung tiêm phòng cho công dân nước mình, dẫn đến thiếu nguồn cung cho các nước kém phát triển hơn. Từ đó xuất hiện khái niệm “chủ nghĩa dân tộc vaccine” như một thách thức mang tính toàn cầu.

Hiện các nước giàu chỉ với 16% dân số toàn cầu đã mua tới 60% nguồn cung cấp vaccine, thậm chí có quốc gia đã đặt mua số lượng nhiều hơn số dân của mình. Canada mua cho 453,1% dân số, Anh mua 270,3%, Australia mua 225,1%, Mỹ mua 182,8% dân số.

Theo một nghiên cứu của Economist Intelligence Unit, nếu như Mỹ, Anh, Israel và EU đạt được phạm vi tiêm chủng rộng rãi vào cuối năm 2021 thì có đến 84 quốc gia nghèo sẽ không tiêm đủ vaccine để đạt được miễn dịch cho đến năm 2024. Trong một bài viết trên tạp chí Foreign Policy, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, phê phán: “Chủ nghĩa dân tộc vaccine không chỉ là sự thất bại về mặt đạo đức. Nó còn tự đánh bại về mặt dịch tễ và phản tác dụng về mặt lâm sàng”.

Vì thế, người ta trông chờ vào vaccine do liên minh COVAX phân bổ. COVAX đặt ra mục tiêu mua 2 tỷ liều vaccine và phân phối đến các quốc gia thiếu vaccine trước cuối năm 2021. Tuy nhiên, cho tới cuối tháng 5, COVAX mới chuyển giao được hơn 68 triệu liều. Nói cách khác, COVAX mới chỉ đi được 3,4% quãng đường để đạt được mục tiêu đề ra.

Thách thức lớn nhất hiện nay của COVAX là thiếu tiền để mua vaccine. COVAX cho biết cần thêm 2 tỷ USD tài trợ vào nửa đầu tháng 6/2021 để nâng mức độ bao trùm của chương trình lên 30%, đồng thời chốt số liều vaccine có thể phân phối trong năm 2021 và vào đầu năm 2022.

COVAX Facility là cơ chế “Tiếp cận toàn cầu với vaccine phòng Covid-19”, được lập ra bởi WHO, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng GAVI, UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh CEPI và các nhà sản xuất vaccine, các đối tác nhằm bảo đảm cho các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine phòng Covid-19. Hiện có 92 quốc gia tham gia COVAX Facility.

Muốn thoát khỏi khủng hoảng kinh tế thì phải đẩy lùi dịch bệnh

Ngày 5/6, các Bộ trưởng Thương mại thuộc 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã nhất trí mục tiêu đạt được sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bắt đầu bằng việc tăng tốc phân phối vaccine.

Trong một tuyên bố chung, các Bộ trưởng Thương mại APEC nêu rõ: “Nhận thức được vai trò của tiêm chủng mở rộng ngừa Covid-19 như một lợi ích công cộng toàn cầu, chúng tôi cần khẩn cấp đẩy nhanh việc sản xuất và phân phối vaccine ngừa Covid-19 một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng”. Tuyên bố cũng nhấn mạnh vai trò của thương mại và đầu tư trong việc đảm bảo tiếp cận rộng rãi và bình đẳng đối với vaccine.

Theo ông Damien O’Connor - Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand, thì đại dịch Covid-19 đã gây ra “cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế lớn nhất trong cuộc đời của chúng ta”.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã lên tiếng kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chia sẻ vaccine cho các nước đang phát triển. Trong một tuyên bố chung gửi tới G7, Chủ tịch WB David Malpass và Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 sẽ không kết thúc cho đến khi tất cả mọi người trên thế giới được tiếp cận vaccine.

Theo hai quan chức này, việc người dân trên toàn cầu được tiếp cận vaccine mang lại hy vọng tốt nhất để chấm dứt đại dịch, cứu sống nhiều người và đảm bảo phục hồi kinh tế trên diện rộng. Ông Malpass và bà Georgieva nêu rõ, cùng với WHO và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), WB và IMF đã kêu gọi tài trợ quốc tế tổng cộng 50 tỷ USD nhằm đạt được sự tiếp cận vaccine công bằng hơn.

IMF cho rằng việc đẩy nhanh công tác tiêm chủng sẽ giúp thúc đẩy nối lại hoạt động kinh tế nhanh hơn, để đến năm 2025 có thể mang lại cho kinh tế thế giới khoảng 9.000 tỷ USD. Theo Tổng Giám đốc IMF, 60% trong số 9.000 tỷ USD này sẽ được đưa vào các thị trường mới nổi ở các nước đang phát triển và 40% còn lại dành cho các nền kinh tế phát triển.

Theo Bloomberg, cần ít nhất 9 tháng nữa để đạt miễn dịch cộng đồng Covid-19 (khoảng 70% số người được tiêm chủng). Việc triển khai tiêm chủng trên thế giới diễn ra không đồng đều, chủ yếu diễn ra tại các nước phát triển trong khi các nước có thu nhập thấp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vaccine Covid-19. Cho đến ngày 6/6, đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 172 triệu người và giết chết gần 3,7 triệu người trên toàn thế giới kể từ khi bắt đầu bùng phát.

Phan Quang Vũ