Đỏ mắt tìm lao động chất lượng cao
Hiện nay thị trường cần tuyển lao động qua đào tạo chiếm 85,6% tổng nhu cầu nhân lực. Trong khi, nhu cầu lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm tỷ trọng 14,4% tập trung ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động như: Dệt may – giày da; nhựa – bao bì, bảo vệ,…
Thiếu hụt lao động chất lượng cao
Báo cáo của Tập đoàn công nghệ Cisco và Oxford Economics về công nghệ và tương lai của các ngành nghề ASEAN cho biết, dự báo đến năm 2028, lao động trong các ngành nghề thuộc 6 nền kinh tế phát triển nhất trong khu vực ASEAN (ASEAN 6) có khả năng sẽ bị thay thế bởi robot, trí tuệ nhân tạo.
Theo đó, nông nghiệp sẽ là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất, với dự kiến khoảng 6,6 triệu lao động dư thừa vào năm 2028. Nghiên cứu cho thấy 41% trong số 6,6 triệu lao động dư thừa do thiếu hụt các kỹ năng công nghệ thông tin theo yêu cầu của các công việc mới. Gần 30% người lao động thiếu kỹ năng tương tác cần thiết đối với các vị trí tuyển dụng trong tương lai, như kỹ năng thương lượng, thuyết phục và dịch vụ khách hàng,…
Ở một nghiên cứu khác cho thấy, Singapore là quốc gia ước tính sẽ có 500.000 việc làm bị thay thế vào năm 2028 do sự chuyển đổi kỹ thuật số. Mặc dù con số này khôn nhiều, nhưng chiếm đến 21% lực lượng lao động của Singapore. Việt Nam và Thái Lan được dự báo sẽ có khoảng 7,5 triệu và 4,9 triệu người mất việc làm hoặc phải thay đổi công việc vào năm 2028, tương ứng với 13,8% và 11,9% lực lượng lao động của hai quốc gia này. Phần lớn những công việc này được đánh giá là đơn điệu và năng suất thấp, chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đề cập đến thị trường lao động, ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân, Học viện Chính trị khu vực II (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay thị trường lao động cần tuyển lao động qua đào tạo chiếm 85,6% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực ở lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ trọng 14,4% tập trung ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động như: Dệt may – giày da; nhựa – bao bì, bảo vệ,…
GS. TS. Nguyễn Thị Cành, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, thị trường lao động hiện nay có nhiều nghịch lý, lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao lại thấp. Những yếu điểm bắt buộc phải thay đổi. Nếu không các nhà đầu tư sẽ lựa chọn và dịch chuyển sang thị trường khác.
Vị này dẫn chứng, yêu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư, khuyến khích các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, nhưng đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật lại thiếu. Vì vậy, tuyển dụng lao động, nhất là lao động kỹ thuật trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao gặp nhiều khó khăn.
Đẩy mạnh đào tạo lao động chất lượng cao
Theo các chuyên gia, tại TP HCM, một số doanh nghiệp than phiền khó tuyển dụng lao động. Bởi vì, lao động có trình độ phù hợp không thể tuyển tại chỗ, đa số tuyển từ các tỉnh. Nhưng lao động từ các tỉnh lại là lao động phổ thông không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao.
Một bất cấp nữ, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên trong 5 năm gần đây ở TP HCM chiếm trên 20%. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo hiện chưa đáp ứng với yêu cầu hiện tại, khó phù hợp với sự phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Lý do, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng chưa đủ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm để tiếp cận công việc. Nhất là các kỹ năng mà thị trường lao động cần, đòi hỏi nhà tuyển dụng phải thực hiện đào tạo sau tuyển dụng.
Ước tính từ số liệu thống kê TP HCM, nếu tốc độ lao động làm việc trong nền kinh tế thành tăng như những năm qua bình quân 2,4%/năm thì nhu cầu lao động của thành phố vào năm 2025 khoảng 5,2 triệu và khoảng 6 triệu lao động đến năm 2030. Cơ cấu kinh tế TP HCM hiện nay và 5 - 10 năm tới sẽ dịch chuyển theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Như vậy nhân lực của TP HCM sẽ chiếm vị trí cao trong khu vực dịch vụ, trong đó các ngành cần đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với kinh tế số và quản lý đô thị thông minh của thành phố.
Lý giải nguyên nhân thị trường lao động tồn tại những điểm yếu, một số người chỉ ra rằng, chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chưa dựa vào yêu cầu thị trường, chưa tạo điều kiện cho quá trình chuyển dịch về lao động. Công tác phân luồng học sinh, dự báo nhu cầu nhân lực chưa sát với nhu cầu nhân lực từng lĩnh vực.
Để giải quyết bài toán về lao động chất lượng, lao động có trình độ tay nghề cao, giải pháp căn cơ nhất phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực xuất phát từ nhu cầu thiết thực của thị trường lao động. “Muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao được “đúng” và “trúng” đòi hỏi phải thực hiện đầy đủ, chất lượng của các khâu đánh giá và xác định nhu cầu nhân lực của từng cơ quan, đơn vị”, GS. TS. Nguyễn Thị Cành chia sẻ.
Có chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đội ngũ nhân lực có cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm, lĩnh hội kiến thức. Thay vì đào tạo đơn ngành, cần tăng cường theo phương thức đào tạo đa ngành, liên kết. Nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức sâu và rộng, có thể kết nối giữa các lĩnh vực với nhau, có thể sử dụng một cách thành thạo các tiến bộ khoa học, kỹ thuật.