Giữ nhịp tăng trưởng

Nam Việt 08/06/2021 06:39

Kể từ ngày 27/4, khi xuất hiện chùm ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, chúng ta chính thức bước vào cuộc chiến lần thứ 4 chống Covid-19. Đáng chú ý, trong đợt bùng phát dịch này, tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 nhanh hơn rất nhiều, từ những biến thể mới, trong đó nổi lên là biến thể xuất hiện đầu tiên tại Vương Quốc Anh và Ấn Độ.

Tôm là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Đặc điểm thứ hai của đợt dịch này chính là sự lây nhiễm trong các khu công nghiệp và địa bàn lân cận. Nổi lên hơn cả là Bắc Giang và Bắc Ninh, hai địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với hàng trăm ngàn công nhân. Ở đợt lây nhiễm thứ 3, năm 2020, dịch Covid-19 cũng đã xuất hiện tại nhà máy ở Hải Dương, nhưng chúng ta đã nhanh chóng khoanh vùng, dập tắt, mức độ lây lan không lớn và cũng không kéo dài.

Nhưng lần này, đã hơn một tháng, hàng ngày vẫn xuất hiện hàng chục ca lây nhiễm mới trong các khu công nghiệp. Thực tế ấy khiến người ta lo ngại về sự đình trệ sản xuất, đời sống của người lao động sẽ gặp khó khăn.

Tuy nhiên, bằng chiến lược phòng, chống Covid-19 rất sáng suốt của Đảng, Nhà nước, tổ chức phòng dịch đi liền với tiếp tục sản xuất, không để chuỗi sản xuất - cung ứng bị gẫy đổ, tại thời điểm này dù diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp nhưng về cơ bản chúng ta đã kiểm soát được nguồn lây trong các khu công nghiệp.

Trong khó khăn của dịch bệnh Covid-19 mang tính toàn cầu, năm 2020 Việt Nam được thế giới coi là điểm sáng khi vừa hạn chế ở mức thấp nhất dịch bệnh và vẫn phát triển sản xuất. Năm 2020, GDP cả nước xấp xỉ 3% trong khi phần lớn các nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, xuống mức phát triển âm.

Cũng trong năm 2020, chúng ta xuất siêu hơn 19 tỷ USD. Thành công đó cho thấy chủ trương thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của Việt Nam là rất sáng suốt.

Năm nay, đất nước lại đối diện với thách thức mới. Số người bị lây nhiễm, số người phải điều trị, số ca tử vong do Covid-19 hơn 1 tháng qua đã nhiều hơn cả năm 2020. Số tỉnh, thành xuất hiện dịch cũng nhiều hơn. Nhưng, trong khó khăn ấy, Việt Nam vẫn kiên trì mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5%. Liệu mục tiêu ấy có đạt được?

Theo đánh giá của giới chuyên gia, cho dù khó khăn những những tín hiệu phát triển kinh tế Việt Nam là đáng mừng, cho dù băn khoăn vẫn còn đó vì cũng thật khó xác định điểm dừng của dịch.

Cách đây 2 tháng, ngay sau khi có số liệu thống kê tình hình kinh tế quý I với GDP ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ 2020, thì các chuyên gia đã khuyến nghị vẫn cần nỗ lực kéo giảm sự lây lan của dịch bệnh; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước…

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình, thì kinh tế đất nước trải qua 5 tháng đầu năm tương đối lạc quan. Xuất khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ, công ăn việc làm được phục hồi, chỉ số GDP tiếp tục tăng. Thế nhưng từ nay đến cuối năm tình hình thế nào vẫn là điều rất khó lường.

Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chúng ta vẫn có thế mạnh trong xuất khẩu. Nhiều thị trường trên thế giới đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh nhưng nhu cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, tiêu dùng vẫn cao. Trong khi đó, chúng ta mạnh về nông sản, tiêu dùng, điện tử… rất cần tiếp tục phát triển trong những tháng tới. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng, phải kiểm soát được dịch bệnh thì mới phát triển được.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, những tín hiệu phát triển kinh tế của chúng ta 5 tháng qua là đáng mừng, nhưng quan trọng là phải duy trì được nhịp. “Chỉ cần phòng chống dịch không tốt, các hệ lụy khác sẽ nảy sinh. Ứng phó sẽ mệt hơn rất nhiều so với việc đoán trước, chuẩn bị trước để không phải chạy theo ngăn chặn”, theo ông Huân.

Ở khía cạnh khác, PGS.TS Phạm Thế Anh, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội cho rằng, niềm tin cùng sự nỗ lực của doanh nhân - doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân chính là cộng hưởng, là động lực cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn đầy khó khăn phía trước.

PGS Anh cho rằng, điều quan trọng nhất là trong mọi tình huống cần phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát và duy trì lãi suất thấp. Khi bệnh dịch gần chấm dứt hoặc chấm dứt hoàn toàn sẽ có đà hồi phục nhanh hơn.

Tại thời điểm này, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy vẫn hoạt động. Hàng hóa nông sản tiếp tục được xuất khẩu tới nhiều thị trường. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục phát huy hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, từ nay tới cuối năm, dù tình hình vẫn khó khăn nhưng nội lực của nền kinh tế đã được củng cố.

Cùng đó, và rất quan trọng, chính là việc Chính phủ quyết tâm dồn mọi nguồn lực để sớm dập dịch. Dập dịch để chăm lo sức khỏe nhân dân nhưng cũng là để khôi phục, phát triển kinh tế. Mới đây, với sự ra đời của Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, cuộc chiến chống dịch của đất nước bước vào giai đoạn mới rất quan trọng. Đó là nhanh chóng tiêm vaccine trên diện rộng để sớm đạt mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng.

Với những gì đang diễn ra, không chủ quan nhưng chúng ta vẫn có thể tin rằng một lần nữa kinh tế đất nước sẽ lại “bay qua bão dịch”.

Nam Việt