Sợ viện hơn sợ bệnh
Thời gian qua, có khá nhiều người mắc bệnh, thậm chí là bệnh hiểm nghèo nhưng không dám đến bệnh viện khám và chữa trị. Lý do đơn giản chỉ là người dân sợ đến bệnh viện sẽ bị lây nhiễm Covid-19, hoặc giả nhỡ phát sinh ca F0 nào thì sẽ phải đi cách ly tập trung. Tâm lý đó khiến một số bệnh nhân trở nặng.
Mới đây, một cụ ông ngoại bát tuần ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) khi được đưa tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thì đã không còn kịp cứu chữa. Ông cụ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), vẫn đang điều trị ngoại trú bình thường.
Những ngày qua bệnh tình nặng lên, lẽ ra ông phải vào viện kiểm tra nhưng do sợ Covid-19 nên cứ nấn ná ở nhà. Hậu quả là khi người nhà gọi xe cấp cứu 115 đến thì ông cụ đã ở trạng thái nguy kịch. Khi đến được Bệnh viện Đại học Y, mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, tuy nhiên bệnh nhân bị suy đa tạng không thể qua khỏi…
Mấy ngày trước, tôi cũng biết một chị ngoài 50 tuổi đau đầu đến mất ăn mất ngủ, nhưng gắng gượng chịu cơn đau không dám đi khám vì sợ... Covid-19. Chị tâm sự là không những sợ lây nhiễm SARS-CoV-2 khi đến bệnh viện đông người, mà còn sợ nhỡ bất ngờ xuất hiện ca bệnh từ một ai đó đến khám chữa bệnh thì lại bị “bế” đi cách ly tập trung.
Còn rất nhiều trường hợp tương tự, nhưng chỉ đơn cử hai trường hợp trên để thấy rằng, hiện nhiều người dân đang có tâm lý e ngại lây nhiễm Covid-19, mà chấp nhận “buông” tính mạng của mình. Họ không hiểu rằng, Covid-19 thực sự đáng sợ nhưng những bệnh lý khác cũng nguy hiểm không kém, có thể lấy mạng họ bất cứ lúc nào.
Với căn bệnh nguy hiểm như u não nếu không kịp thời chẩn trị, liệu người bệnh có thể trụ được bao lâu? Chưa kể đến u ác tính, dẫu chỉ là u lành nhưng nếu nó cứ ngày một lớn dần sẽ chèn ép hệ thần kinh, các mạch máu dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Nếu không kịp thời loại bỏ khối u, e rằng chưa biết Covid-19 nguy hiểm tới đâu thì đã mất mạng vì bệnh này. Hay bệnh tiểu đường cũng thường có những biến chứng hết sức nguy hiểm, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người bệnh nếu cứ “kiên trì”... ở nhà.
Còn khi thiếu máu lên não nặng, nếu không kịp thời cứu chữa, e rằng sẽ chết não, mất mạng như chơi... Chẳng phải trường hợp của ông cụ ở quận Thanh Xuân vì ngại, vì sợ Covid-19 mà dẫn đến mất mạng do bệnh phổi mãn tính đó sao?
Nếu ông không quá sợ bị lây nhiễm SARS-CoV-2 mà đến bệnh viện khám, chữa trị khi bệnh tình trở nặng, thì có thể đã giữ được tính mạng… Nói đi cũng phải nói lại. Thực ra nhiều người dân có tâm lý sợ đến bệnh viện khám chữa bệnh là bởi đã có một số cơ sở y tế để lây lan đại dịch Covid-19 trong bệnh nhân và người nhà đến chăm sóc.
Đã có không ít bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải đi cách ly “oan” do đến bệnh viện khám chữa bệnh hay thăm nom người nhà. Chẳng phải Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K ở Hà Nội và một số bệnh viện tuyến dưới ở các tỉnh, thành phố đã để phát sinh ổ dịch khiến bệnh nhân và người nhà điêu đứng đó sao?
Vốn đã bị bệnh, nếu lại có nguy cơ mắc Covid-19 thì bảo sao người dân không sợ cho được? Đó là lý do họ thà cố chịu bệnh tật chứ không chịu đến viện khám, chữa. Song, dù cho một số bệnh viện từ tuyến Trung ương đến bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện có bị phát sinh ổ dịch Covid-19, thì cũng không phải là lý do để người bệnh nấn ná không đi khám chữa những loại bệnh khác. Đại dịch Covid-19 đúng là dễ lây, nhưng nếu mỗi người thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế thì không có gì phải sợ cả.
Vì thế, đừng quá hoảng sợ đến mức chịu đựng bệnh tật, không dám đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Hãy chịu khó tìm hiểu thông tin, thực hiện đúng khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống đại dịch Covid-19, để đi khám chữa bệnh. Đừng để đến lúc quá muộn có hối hận cũng không còn kịp nữa.