Khẩn cấp phục hồi hệ sinh thái
Ổn định khí hậu, lọc không khí, cung cấp oxy, cung cấp nguồn nước, thức ăn, thuốc men… Hệ sinh thái đóng vai trò vô cùng quan trọng đối cuộc sống của con người. Thế nhưng, Tổng Thư ký LHQ Guterres vừa đưa ra cảnh báo Trái Đất đang tiến tới “thời điểm không thể quay đầu” khi nạn chặt phá rừng, tình trạng ô nhiễm sông ngòi và đại dương, các bãi cỏ bị cày xới... dường như rơi vào quên lãng.
Những con số giật mình
Hiện các hệ sinh thái ở Việt Nam đang có tốc độ suy thoái nhanh nhất trong lịch sử loài người (theo các nhà khoa học) vì đang phải đối mặt với các mối đe dọa khủng khiếp, đó chính là nạn chặt phá rừng; ô nhiễm nước hồ, sông suối; các vùng đất ngập nước trở nên khô hạn; vùng biển và ven biển bị suy giảm chất lượng và bị khai thác quá mức.
Chắc nhiều người chưa hình dung ra, tính từ năm 2011 đến nay hơn 22.800 ha rừng đã biến mất, trong đó, diện tích rừng bị cháy khoảng 13.700 ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm, Việt Nam suy giảm khoảng 2.500 ha rừng. Chất lượng rừng tự nhiên được đánh giá ở mức thấp, với chỉ 15% diện tích rừng giàu, 35% diện tích rừng trung bình, khoảng 50% diện tích rừng tự nhiên còn lại là nghèo, nghèo kiệt… Chính phủ đã phải ban hành thông báo, triển khai thực hiện lệnh “đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên”, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan việc làm mất rừng, cũng như đưa ra các giải pháp toàn diện bảo vệ rừng…
Đấy là rừng. Còn ô nhiễm nước hồ, sông suối thì sao? Thống kê của Bộ Tài nguyên Môi trường cho thấy, hiện nay cả nước có hơn 5.400 làng nghề, riêng Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề, tuy nhiên 95% hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, hơn 50% gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đây là những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ nhìn chung lạc hậu, chưa đầu tư thích đáng vào xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải.
Ở đô thị, nồng độ bụi vượt quá nhiều lần chỉ tiêu cho phép. Nồng độ khí thải CO2 nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 đến 2,5 lần. Rồi vấn đề khai thác mỏ, vật liệu xây dựng… đã và đang làm hủy hoại môi trường sinh thái. Đặc biệt, việc sử dụng mìn khai thác ở nhiều lĩnh vực là tác nhân phá hoại nhanh nhất sự cân bằng về hệ sinh thái môi trường.
Từ rừng, đô thị đến vùng biển và ven biển cũng đang bị suy giảm chất lượng quá mức vì ô nhiễm. Tại Quảng Nam, Nha Trang, Khánh Hòa,… rất nhiều cửa sông, cửa biển, đảo ven bờ ngập rác thải. Không chỉ môi trường ô nhiễm trầm trọng, hình ảnh du lịch bị hủy hoại, đời sống người dân cũng bị đảo lộn bởi rác từ nơi khác dồn về.
Mới đây, chỉ sau một đêm thức giấc, người dân TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) giật mình khi thấy Bãi Sau đầy rác thải, cây lục bình, lọ, chai nhựa theo sóng biển từng đợt tấp vào bờ, rác dày đến cả vài phân.
Vẫn còn thời gian để đảo ngược
Chúng ta không thể sống khỏe nếu môi trường sinh thái “chết”. Theo báo cáo Tình trạng Không khi toàn cầu năm 2020, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, trong đó khoảng 4 triệu ca tử vong xảy ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tại châu Âu, ước tính khiến 400.000 người tử vong sớm mỗi năm do các bệnh liên quan tới không khí ô nhiễm. Thậm chí, các chuyên gia còn cảnh báo chất lượng không khí mà nhiều người đang hàng ngày hít thở có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe hơn so với đại dịch Covid-19.
Vì vậy, ngày Môi trường Thế giới năm 2021 đã thực hiện chiến dịch “Phục hồi hệ sinh thái”. Đây cũng là sự kiện khởi động cho Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái (2021-2030).
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres, chúng ta đang tàn phá chính các hệ sinh thái vốn là nền tảng của xã hội chúng ta. Sự suy thoái thế giới tự nhiên đang hủy hoại chính nguồn thực phẩm, nước và tài nguyên cần thiết để con người và các sinh vật tồn tại, cũng như cuộc sống của 3,2 tỷ người - tương đương 40% dân số thế giới.
Tuy nhiên, điều may mắn theo ông Guterres là Trái Đất có khả năng phục hồi và “chúng ta vẫn còn thời gian để đảo ngược những thiệt hại mà mình đã gây ra”. Và 10 năm tới là “cơ hội cuối cùng” để con người có thể ngăn chặn thảm họa khí hậu, đẩy lùi làn sóng ô nhiễm gây chết người và chấm dứt sự mất mát các loài động, thực vật bằng cách phục hồi hệ sinh thái.
Phục hồi có nghĩa là hỗ trợ phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái hoặc bị phá hủy, cũng như bảo tồn các hệ sinh thái vẫn còn nguyên vẹn. Các hệ sinh thái lành mạnh hơn, với đa dạng sinh học phong phú hơn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho con người như đất đai màu mỡ hơn, sản lượng gỗ và cá lớn hơn và lượng khí nhà kính được lưu trữ lớn hơn.
Tổng Thư ký kêu gọi mỗi người dân cùng đóng góp sức lực của mình để “ngày hôm nay là khởi đầu của một thập kỷ mới - một thập kỷ mà cuối cùng chúng ta có thể chung sống hòa bình với thiên nhiên và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.