Xây dựng ‘nền kinh tế không tiếp xúc’ để thích ứng với đại dịch

QUỐC ĐỊNH 08/06/2021 09:00

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP HCM mới đây đã buộc thành phố quyết định giãn cách xã hội trên toàn địa bàn trong 15 ngày. Nhiều người cho rằng, việc thường xuyên xảy ra dịch bệnh và giãn cách như thế này có thể làm thay đổi cơ cấu kinh tế trong tương lai không xa. Nhưng đây cũng là “phép thử” đối với doanh nghiệp (DN), để họ có thể tự thay đổi nhằm thích ứng với tình hình mới.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP HCM cho biết, thành phố hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, có 1.500 DN đang hoạt động với 280.000 công nhân, 3.000 chuyên gia nước ngoài. Với số lượng DN và công nhân đông nên nguy cơ lây nhiễm là rất lớn, vì vậy các DN không thể chủ quan, lơ là.

Trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP HCM, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khi thăm các khu chế xuất-khu công nghiệp ở TP HCM đã lưu ý, bên cạnh việc thực hiện giãn cách xã hội thì vẫn phải đảm bảo hoạt động sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp... và không để đứt gãy hoạt động sản xuất.

Có thể nói, việc áp dụng giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố như hiện nay tiếp tục là “phép thử” cho khả năng thích ứng cũng như duy trì sức phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ở thành phố này.

Trước khi TP HCM áp dụng lệnh giãn cách xã hội từ 0h ngày 31/5 thì chỉ số sản xuất công nghiệp trong 5 tháng trở lại đây của TPHCM đã tăng 7,4% so cùng kỳ năm ngoái. Chưa kể, kim ngạch xuất khẩu của các DN TP HCM qua các cửa khẩu thành phố trong 5 tháng đầu năm nay ước đạt 17,52 tỷ USD, tăng 11,7%; Doanh thu bán lẻ hàng hóa cũng ghi nhận ước đạt 255.561 tỷ đồng, tăng 9,55% so cùng kỳ năm trước.

Rõ ràng, đó là kết quả đáng khích lệ cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn TPHCM khi duy trì đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá trong lúc vừa duy trì sản xuất, vừa tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Theo bà Cáp Thị Minh Trang, Giám đốc Nhân sự khu vực Việt Nam-Campuchia, Công ty về công nghệ tự động hóa, khi ứng phó với Covid-19 bản thân DN của bà đã nhấn mạnh vào góc độ con người và khâu tổ chức. Bà Trang chỉ ra 4 trọng tâm trong cách ứng phó của một DN nước ngoài tại Việt Nam, đó là sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, an toàn chức nghiệp, kinh doanh liên tục và bền vững, tăng trưởng, tăng tốc hậu Covid-19. “Quan trọng là chúng tôi không chỉ chú trọng ứng phó với thách thức hiện tại, mà còn chủ động chuẩn bị để hồi phục và tăng trưởng trong tương lai”, bà Trang nói.

Ở góc độ của nhà đầu tư nước ngoài, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đánh giá, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trên thế giới trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Tuy vậy, lãnh đạo các DN châu Âu ở Việt Nam hiện đang kêu gọi Chính phủ đi xa hơn và nhanh hơn, khai thác sức mạnh của khối DN tư nhân, cho phép các công ty tự bỏ ra chi phí để thực hiện tiến trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhân viên của họ.

Giới chuyên gia nhấn mạnh TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung nên tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng nền “kinh tế không tiếp xúc”. Bởi lẽ, việc kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội có thể tác động mạnh mẽ đến cơ cấu kinh tế hiện nay của Việt Nam, cũng như hành vi xã hội và mua sắm của người dân trong nhiều năm tới.

Theo TS Nguyễn Hoàng Thuận, Khoa Kinh doanh và Quản trị thuộc Đại học RMIT, việc chuyển đổi sang nền kinh tế không tiếp xúc sẽ giúp Việt Nam theo kịp xu hướng toàn cầu mà chúng ta không thể đứng ngoài. “Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ đợt bùng phát dịch bệnh nào và kinh tế không tiếp xúc là hướng đi cho tương lai”, ông Thuận nói.

QUỐC ĐỊNH