Gỡ rào cản thanh toán không dùng tiền mặt

H.Hương 08/06/2021 06:48

Sự gia tăng các dịch vụ ngân hàng số giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đáng chú ý, nhiều người kỳ vọng khi Mobile Money (tiền di động) được triển khai, thanh toán không dùng tiền mặt chính thức bùng nổ.

Dịch vụ thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến.

Thanh toán điện tử bùng nổ

Tính đến thời điểm cuối quý I/2021, dù ảnh hưởng bởi dịch nhưng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao. Cụ thể giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; tương tự giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 78% và 103%; giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng, tăng tương ứng 83% và 46%.

Cũng trong 3 tháng đầu năm, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 37 triệu món với giá trị là hơn 31 triệu tỷ đồng, tăng 6,32% về số lượng và tăng 22,98% về giá trị giao dịch so với 3 tháng đầu năm 2020. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử của Napas đạt 482,5 triệu món với giá trị gần 4,6 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 103,26% và 147,65%.

Trong bối cảnh dịch bệnh các ngân hàng đều ngày càng chú trọng nâng cấp và hoàn thiện công nghệ phục vụ cho hạ tầng thanh toán điện tử, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Ngân hàng số cũng ra mắt ngày một nhiều hơn, như OCB Omni, LiveBank, TNEX, VCB Digibank… và cùng với đó thì hệ sinh thái xung quanh ngân hàng số cũng được các nhà băng quan tâm phát triển để giá trị mang tới cho khách hàng phong phú hơn, đa dạng hơn.

Tuy nhiên theo phân tích của bà Natalia Kovalenko, Giám đốc điều hành Công ty Lendtop, hiện Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 30% người Việt Nam trưởng thành chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, nhiều người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa,… chưa được tiếp cận những dịch vụ ngân hàng cơ bản.

Đây là nhóm khách hàng khó tiếp cận nhất với ngân hàng và tổ chức tài chính bởi 2 lý do: Một là do họ không có lịch sử tín dụng hoặc không đáp ứng được các yêu cầu của dịch vụ ngân hàng; hai là chi nhánh ngân hàng chưa có mặt tại nơi họ sinh sống. Việc giúp nhóm đối tượng này có khả năng tiếp cận tài chính là một trong những điểm rất quan trọng để Ngân hàng Nhà nước thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

Chờ đợi từ “tiền di động”

Trong bối cảnh dịch Covid-19 với những rủi ro khi thanh toán tiền mặt đã được cảnh báo, các chuyên gia cho rằng cần phải đẩy nhanh dịch vụ thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là ứng dụng Mobile Money.

Về các hình thức giao dịch không tiền mặt, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia kinh tế, cán bộ ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, dịch vụ Mobile Money đang được thí điểm sẽ bổ sung hình thức thanh toán mới cho người dân và DN, nhất là giao dịch giá trị nhỏ và tại vùng sâu, vùng xa. Đây là hình thức dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.

“Mobile Money có lợi thế là ngay khi đi vào triển khai đã có số lượng khách hàng lên đến hàng chục triệu tài khoản, số lượng điểm dịch vụ lớn, trải khắp cả nước. Đây là lợi thế mà các dịch vụ khác không dễ gì có được”, ông Đức nói.

“Hiện nay không có một ngân hàng nào ở Việt Nam phục vụ những khoản thanh toán nhỏ lẻ, chi tiêu siêu nhỏ hàng ngày. Với năng lực về công nghệ, hạ tầng, con người, các nhà mạng sẽ đào tạo người dân quen với thanh toán điện tử, quen với món chi tiêu vài chục nghìn, vài trăm nghìn đồng hàng ngày và khi cần chi tiêu những món lớn hơn như mua điện thoại, TV, mua nhà, mua xe mới nghĩ đến ngân hàng”, vị này khẳng định.

Cũng theo phân tích nếu dịch vụ Mobile Money được cấp phép thì chỉ “qua một đêm”, tất cả người dân sử dụng dịch vụ di động đều có thể tham gia thanh toán không dùng tiền mặt.

H.Hương