Điểm mới trong chính sách thay đổi các mô hình, dịch vụ thanh toán

An Chi 08/06/2021 17:03

Trong những ngày qua, chúng ta đã và đang được chứng kiến những sự thay đổi rõ ràng trong phương thức tiêu dùng, thanh toán, đó là sự dịch chuyển từ các cửa hàng truyền thống sang thương mại điện tử. Để phát huy kết quả đã đạt được, thời gian gần đây, các cơ quan, Bộ, ban, ngành và ngân hàng, tổ chức tín dụng đang chú trọng đẩy mạnh phát triển các mô hình, dịch vụ thanh toán nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng đồng thời ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Theo thống kê, tại Việt Nam, khi đại dịch Covid-19 xảy ra và nhất là ở giai đoạn cách ly xã hội, thanh toán qua kênh internet đã tăng gần 50% về giá trị giao dịch, thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn khoảng 160% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, hình thức dịch vụ này được triển khai từ nhiều năm qua, song có sự phát triển nhanh chóng từ 2 - 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát như “chất xúc tác” đẩy nhanh hơn sự phát triển của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại. Bởi, người tiêu dùng vừa duy trì được hoạt động giao dịch tài chính, mua sắm mọi lúc, mọi nơi, vừa có thể hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người và tiền, hạn chế rủi ro.

Có thể nói, thanh toán không dùng tiền mặt đạt được “mục tiêu kép”, vừa gia tăng sự cạnh tranh cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, vừa góp phần phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế.

Đồng thời, phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi. Khi thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích và đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng hơn.

Tiên phong trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng các dịch vụ thanh toán, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố năm 2021.

Theo UBND thành phố, Kế hoạch được triển khai nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đổi mới, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng hệ sinh thái số để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; tăng cường an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về thanh toán đảm bảo đồng bộ, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và sự phát triển các mô hình, dịch vụ thanh toán mới.

Cùng với đó, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử các dịch vụ hành chính công; tăng cường phối hợp, mở rộng kết nối giữa các sở ngành, lĩnh vực với hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của thành phố Hà Nội, ứng dụng thanh toán điện tử phục vụ cho việc thanh toán dịch vụ công trực tuyến.

Về phía ngân hàng, hiện tại, nhiều ngân hàng đang đưa ra các chương trình hỗ trợ nhằm thu hút khách hàng mở tài khoản, mở thẻ tín dụng, sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng rõ ràng chất lượng dịch vụ (bao gồm cả tiện ích, hạ tầng kỹ thuật, mức độ bảo mật thông tin…) vẫn phải là yếu tố cốt lõi và ngày càng phải nâng cao.

Được biết, hệ thống này khá phát triển ở đô thị lớn như thành phố Hà Nội, nhưng khu vực nông thôn, nơi chiếm khoảng 65% dân số, vẫn gần như đang bỏ ngỏ. Đây là dư địa để các ngân hàng cũng như doanh nghiệp thương mại, dịch vụ khai thác trong tương lai.

Từ phía người tiêu dùng, trong quá trình tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán hiện đại cần phải lưu ý việc bảo mật thông tin cá nhân, bởi cùng với sự phát triển của công nghệ, các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài khoản cũng ngày càng nhiều và tinh vi. Thực tế không ít trường hợp mất cảnh giác, phần nào chưa hiểu rõ các phương thức thanh toán qua ứng dụng công nghệ nên đã bị kẻ xấu chiếm đoạt tài sản.

Có thể thấy, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ, với sự cạnh tranh sôi động về phát triển dịch vụ bán lẻ phi tín dụng của các ngân hàng thương mại, các công ty công nghệ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán. Khi các chủ thể tham gia quá trình này cùng tận dụng cơ hội, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ mang lại nhiều lợi ích.

An Chi