Không thể bị lãng quên

Phạm Quang Đẩu 08/06/2021 19:00

Bà Nguyễn Thị Ngọc Chúc hiện ở khu tập thể của Bộ Giáo dục - Đào tạo tại Giảng Võ, Hà Nội. Năm nay bà đã bước sang tuổi 88. Lâu rồi mới gặp, tôi  thấy bà như có gầy đôi chút, song bước đi vẫn nhanh nhẹn, thần thái vẫn minh mẫn, bà vốn là một tiến sĩ tâm lý học kỳ cựu của ngành Giáo dục.

Viếng mộ liệt sĩ Nguyết Viết Quỳ tại nghĩa trang Đồi Độc Lập trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004). Bà Nguyễn Thị Ngọc Chúc đứng đầu bên phải.

Khách, chủ vừa ngồi vào bàn nước, bà bỗng bảo tôi, em ạ, tháng 5 với gia đình chị gợi lên nhiều những ký ức về người thân. Thoáng thấy tôi chưa hiểu, bà liền giải thích, giờ cả nước đang hướng đến ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và trong tháng này còn có kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhà chị có hai liệt sĩ đều liên quan đến hai sự kiện ấy. Chú ruột Nguyễn Viết Quỳnh, là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946, hy sinh trong khi làm một nhiệm vụ đặc biệt do Quốc hội, Chính phủ giao; còn anh ruột chị là Nguyễn Viết Quỳ, đại đội trưởng pháo 12,7 ly, đã ngã xuống ở thời điểm sắp kết thúc chiến dịch Điện Biên. Rồi bà lấy cho tôi xem cái va ly cũ đựng đầy ảnh, giấy tờ, thư từ của hai người cách nay đã ngót 70 năm. Tác phong lưu trữ tư liệu cẩn trọng của nhà khoa học, hay chính là biểu hiện của sự trân trọng kỷ vật duy nhất còn lại của người đã khuất? Tôi thầm nghĩ, bà làm việc này do cả hai. Các tấm ảnh đã vàng ố, còn các dòng chữ đánh máy trên giấy bản hoặc chữ viết tay mực xanh ở các tập giấy đều đã phai màu thời gian. Thế rồi lời bà kể cùng những tư liệu quý kia, giúp tôi hình dung được khá đầy đủ về cuộc đời ngắn ngủi mà oanh liệt của hai liệt sĩ, đến hôm nay người đời ít được biết tới.

Thân sinh của bà là cụ giáo Nguyễn Viết Quế, quê gốc Ước Lễ, Thanh Oai, Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 nổ ra, cụ đang dạy tiểu học ở thị xã Việt Trì, đã cùng hai em Nguyễn Viết Phượng, Nguyễn Viết Quỳnh hăng hái tham gia cách mạng. Cụ làm chủ tịch Ủy ban lâm thời Việt Trì. Em thứ tư của cụ là Nguyễn Viết Phượng lên Lào Cai làm thông phán tòa sứ tỉnh, được Việt Minh giác ngộ, lợi dụng vị thế viên chức tòa sứ, lại là rể của một thống lý dân tộc Ráy (còn gọi là người Nhắng) ở Mường Hum, đã vận động được nhiều đồng bào địa phương, kể cả tri châu, chỉ huy bảo an đi theo cách mạng. Chú út Nguyễn Viết Quỳnh thì học dở trường luật Hà Nội, theo anh Phượng lên Lào Cai, tham gia Việt Minh. Đầu năm 1946, diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên, chú Quỳnh là người duy nhất trúng đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai.

Lúc bấy giờ có nhiệm vụ là vận động quần chúng, làm cho đồng bào thiểu số và những phe phái còn chưa hiểu về cách mạng hiểu được đường lối đoàn kết rộng rãi đánh đuổi giặc ngoại xâm của Mặt trận Việt Minh. Cuối năm 1947, chú Quỳnh được giao nhiệm vụ thâm nhập vùng núi xa xôi của huyện Mường Khương, thuyết phục một thủ lĩnh người Xạ Phang hợp tác. Biết là vào nơi hang hùm, miệng sói tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc, ông vẫn không từ nan. Khi đối mặt với thủ lĩnh Xạ Phang, ông kiên trì thuyết phục, song không thể làm hắn đổi ý. Hắn còn trở mặt, ra lệnh bắt và khám trong người ông có tấm thẻ căn cước mang tên “Nguyễn Xuân Đán”, biết chắc đây là một cán bộ “lớn” của Việt Minh, tên này liền bắt trói ông, bàn giao cho Pháp để lĩnh thưởng. Bọn phòng Nhì Pháp đưa ông về tra hỏi, đánh đập dã man, ông cắn răng chịu đựng không khai báo. Bất lực trước ý chí sắt đá của người cách mạng, chúng đã lôi ông ra giữa cầu Cốc Lếu, giết hại, hất xác xuống sông.

Nhà giáo Nguyễn Viết Quế (thứ hai bên trái) và các em. Liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳnh (đầu bên trái). Ảnh chụp năm 1939 tại thị xã Việt Trì (Phú Thọ).

Bà Chúc bảo, nhớ mãi cái Tết Đinh Hợi (1947) cả nhà đông đủ. Gia đình bà ở Việt Trì tản cư về xã Lãng Công, dưới chân núi Sáng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, lần ấy chú Quỳnh từ Lào Cai về ăn Tết với anh chị. Chú dong dỏng cao, trắng trẻo, khuôn mặt thanh tú, lúc đó đã 31 tuổi, chưa gia đình riêng. Các cháu hỏi vui: Chú đẹp giai thế sao chưa lấy vợ ạ? Chú cười hiền, đánh xong bọn thực dân đế quốc chú lấy vợ chưa muộn mà. Anh Nguyễn Viết Quỳ là con thứ hai trong nhà (Gia đình cụ giáo Quế có mười người con, 7 gái 3 trai), năm đó anh chưa đầy 18 tuổi, vừa học xong thành chung năm thứ ba ở Hà Nội, sau ngày Toàn quốc kháng chiến anh tình nguyện nhập ngũ. Đơn vị cho anh về nhà ăn tết, chuẩn bị nhập học khóa 2 trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Anh quấn quýt với chú Quỳnh, lâu rồi hai chú cháu mới gặp lại nhau. Cả nhà ngồi nói chuyện râm ran vui vẻ quanh nồi bánh chưng sôi sùng sục trước lúc đón giao thừa. Không ai ngờ, đó lần cuối cùng cả nhà được gặp người chú hiền lành, đức độ!

Bà Chúc giở tôi xem tập nhật ký, giấy tờ cá nhân của anh trai ngoài mặt trận (Khi anh hy sinh đơn vị gửi những vật dụng, sổ sách của anh cho gia đình lưu giữ). Ngày đó bà học lớp 6, được tuyển sang Khu Học Xá ở Nam Ninh, Trung Quốc học tiếp văn hóa. Trích lá thư ngày 16/3/1952: “Em yêu quý. Trong những ngày sau chiến dịch, anh bận quá, không trả lời ngay được. Nhưng dù sao anh cũng cố gắng viết nhiều vì chắc chắn rằng em muốn đọc nhiều nhất là những nhịp thư đi xa hàng tháng trời... Anh tin ở sự giáo dục của nhà trường. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà chúng ta tin phục, nhà trường phải là những lò rèn luyện một lớp cán bộ giáo dục thật mới và vững chắc cho việc xây dựng tương lai của dân tộc...”.

Thế rồi tin vui thắng trận từ Điện Biên vang vọng về hậu phương, song đã hơn nửa tháng gia đình cụ giáo Quế vẫn không được tin con trai. Cả nhà thấp thỏm, lo âu. Một buổi sáng mùa hè năm 1954, người bưu tá xã Lãng Công đạp xe mang đến gia đình một phong thư từ miền Tây Bắc xa xôi, bên trong có tờ giấy bản mỏng tang chữ đánh máy: “Giấy báo tử trận, số 14/NC. Tôi xin báo và chứng rằng: Ông Nguyễn Viết Quỳ, sinh năm 1929, cấp bậc Đại đội trưởng Đại đội 78, Tiểu đoàn 387, Đại đoàn 308, đã tử trận lúc 3 giờ chiều ngày 28/3/1954 tại Điện Biên Phủ, trong trường hợp chiến đấu với địch. Chôn tại phía Tây Điện Biên Phủ. Nguyên quán: Việt Trì, Phú Thọ. Con ông Nguyễn Viết Quế. Và bà Đặng Thị Vinh... Ngày 28/4/1954. Ban chỉ huy Đại đội 78: Đặng Văn Lân đã ký và đóng dấu.”

Sau này đồng đội của đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ về Hà Nội đã gặp cụ giáo Quế, xúc động kể lại giờ phút hy sinh anh dũng của anh cùng kíp trực phòng không hôm ấy. Sắp bước vào giai đoạn quyết định số phận tập đoàn cứ điểm, các ụ súng máy 12,7 ly của đại đội 78 đặt không xa sân bay Hồng Cúm đã luôn nổ súng đúng lúc làm máy bay địch không sao cất, hạ cánh nổi, dù tiếp tế phải thả từ trên cao đều ném trệch mục tiêu. Một tiểu đoàn lính lê dương tinh nhuệ có xe tăng, súng cối yểm trợ tối đa, nống ra hòng nhổ cho kỳ được “cái gai” trước mắt chúng. Một trận chiến không cân sức đã diễn ra ác liệt suốt sáng ngày 28/3. Khi địch ào tới các pháo thủ đã chúc nòng 12,7 ly bắn thẳng, hết đạn họ đánh giáp lá cà dùng xẻng, xà beng, búa lăn xả vào những tên lê dương to lớn. Rồi xe tăng địch tràn vào, mãi đến đầu giờ chiều bộ binh ta phản kích mới lấy lại được trận địa. Hầu hết kíp trực hy sinh, chỉ còn hai chiến sĩ bị thương nặng sống sót do nằm lẫn các xác chết.

Kể xong, bà Chúc lặng đi giây lát vì xúc động. Biết bao người con trung hiếu đã bỏ mình giữa tuổi xuân xanh như đại biểu Quốc hội Nguyễn Viết Quỳnh, đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ... Những người như bà Chúc hôm nay đã khắc sâu hình ảnh họ trong ký ức và luôn mong muốn, căn dặn con cháu không khi nào được lãng quên “người hôm qua”. Sáng rõ biết bao đạo lý uống nước nhớ nguồn ấy của dân tộc ta!

Phạm Quang Đẩu