Tri kỷ
Anh Xuân, một kỹ sư xây dựng có tên tuổi, các công trình lớn đều có sự đóng góp của anh. Đã 50 tuổi, anh vẫn chưa có vợ. Ai hỏi, anh chỉ cười. Có người cắt nghĩa nụ cười của kỹ sư Xuân ngụ ý là: “Tôi chưa tìm được người tri kỷ”.

Ông Thu, giáo sư môn tâm lý học, là tác giả của nhiều cuốn sách về tâm lý, diễn giả tài ba của những bài giảng thu hút, lôi cuốn hàng trăm người nghe nhưng cũng không có vợ. Ai hỏi, ông chỉ nhẹ nhàng giải thích: “Vất vả quá mà vẫn chưa gặp được người tri kỷ”.
Vậy “tri kỷ” là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt thì: “Tri kỷ là bạn rất thân, hiểu rõ lòng mình. Thí dụ: Trở thành đôi tri kỷ. Chọn người tri kỷ một ngày được chăng (Nguyễn Du).
Thiên tài Voltaire (1694 – 1778) đã khẳng định: “Tất cả những cái trọng đại ở đời này không thể sánh kịp một người tri kỷ”.
Qua Từ điển và qua xác nhận của Voltaire ta hiểu được người tri kỷ trước hết phải là một người bạn vô cùng thân thiết, nếu là tình bạn từ thuở còn niên thiếu là tốt nhất. Thế rồi trải qua mưa nắng dãi dầu, tình bạn ấy được thử thách trong hoạn nạn, sướng khổ vui buồn có nhau, dần dần mới tiến được đến người tri kỷ.
Tri kỷ theo nghĩa chữ Hán là biết mình, hiểu mình, rõ về mình. Có người cả đời cũng không hiểu rõ về mình nên đã gây ra bao ngộ nhận, bao đáng tiếc, có cái đã gây ra hậu quả phải ân hận mãi mãi. Ấy thế mà ta lại yêu cầu người bạn thân của ta phải hiểu rõ về ta như ta hiểu ta, chia ngọt sẻ bùi với ta, sẵn sàng tha thứ cho ta khi ta có lỗi, sẵn sàng nhường nhịn ta khi ta có lòng tham, sẵn sàng nâng đỡ ta khi ta gục ngã. Chao ôi, tìm được một người tri kỷ như thế thật quá khó, quá vất vả, quá gian nan, nhưng nếu tìm được thì thật là vô giá, đáng trân trọng đến suốt đời. Nguyễn Du cũng đã phải chia sẻ: “Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?”. Khó lắm, tri kỷ một ngày thì thật là duyên may, phúc lớn quá rồi. Một nhà thơ khác cũng phải trăn trở xót xa: “Tìm một tri âm mấy dặm trường”.
Hôm tham dự lễ mừng thọ nhà văn hóa Đông, thọ 95 tuổi, kỷ niệm 70 năm ngày cưới, cho đến nay hai cụ vẫn sống hạnh phúc ngập tràn, một ông học trò 80 tuổi đã phát biểu tổng kết: “Mừng thầy cô Đông đã tìm được hạnh phúc lớn 3 trong 1: vừa là tình vợ chồng, vừa là tình bạn sắt son, vừa là tình bạn suốt đời tri âm, tri kỷ”.
Có thể viết thành công thức 3 trong 1 như sau:
Hạnh phúc viên mãn = Vợ chồng + Bạn thân + Tri kỷ
Trong văn chương cổ châu Á có sự ca ngợi tình bạn, tình tri âm, tri kỷ trong hai câu chuyện đã trở thành kinh điển: Đó là chuyện Lưu Bình – Dương Lễ và chuyện Tử Kỳ - Bá Nha.
Chuyện thứ nhất ca ngợi người bạn đã đỗ đạt âm thầm gửi vợ đi nuôi nấng giúp cho người bạn còn nghèo khổ cố gắng học hành để thi đỗ và thành đạt. Kết thúc câu chuyện có hậu này đã dạy cho con người tấm gương về một đôi bạn hiểu nhau đến sâu sắc, thông cảm với mọi tình hình khó khăn của bạn mà tìm cách giúp đỡ, nâng đỡ bạn cho đến khi có kết quả tốt đẹp. Sự giúp đỡ rất khéo léo, giữ kín không để bạn tủi thân, không để bạn mặc cảm. Đó mới thật sự là tri âm, tri kỷ.
Chuyện thứ hai ca ngợi đôi bạn yêu âm nhạc, quyến luyến nhau, hiểu thấu nhau, ủng hộ, cổ vũ nhau đến mức khi một người chết rồi, người kia đập bỏ đàn không biểu diễn nữa, vì còn ai tri âm nữa mà gẩy đàn cho ai nghe bây giờ.
Trong các sách “Dạy làm người”, các danh ngôn ở bất kỳ quốc gia nào, thời đại nào cũng hướng con người đến một cách suy nghĩ tích cực là: Trong đời mình, nhất định phải tìm bằng được người bạn tốt, người tri kỷ, vì đó là “Báu vật nâng đỡ cả cuộc đời ta”.
Triết gia Jacques Délille (1738 – 1813) đã xác định cho chúng ta: “Số phận tạo ra cha mẹ, sự lựa chọn tạo nên bạn bè, tri kỷ”. Sau khi xác định được sự lựa chọn bạn tri kỷ là một kỹ năng phải có suốt đời, các tác giả đều nhất trí về hai điều kiện để tìm được người bạn tri kỷ như sau:
Điều kiện thứ nhất: Bản thân ta phải tự hiểu được ta đã. Bản thân ta muốn trở thành người lương thiện, sống một cuộc đời bình thường, có đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng. Hoặc là ta muốn trở thành kẻ bất lương, cố đạt được danh lợi, địa vị, tiền bạc bằng mọi giá.
Từ đó ta sẽ đi tìm ai là bạn ta.
Loại thứ nhất: ta chọn bạn nghèo, lương thiện nhưng có ý chí vươn lên, phấn đấu liên tục. Ta chọn vợ là một phụ nữ đức hạnh, nết na, hiếu thảo với cha mẹ, là một người lao động giỏi dù chân tay hay trí óc.
Loại thứ hai: ta chọn con nhà giầu có, cha mẹ có quyền thế, tham nhũng, chụp giật. Ta chọn vợ là con nhà giầu, lười biếng, ỉ lại nhưng phải đẹp, phải mốt, phải đua đòi.
Chả nói thì ai cũng biết kết quả nhãn tiền của hai cách lựa chọn kể trên. Triết học gọi sự lựa chọn đó là cặp đôi nhân – quả,
Triết gia Théognis đã cảnh báo tất cả mọi người: “Bạn xấu là nguồn gốc của những tai họa”. Cái khó ở đời là xác định được: ai là bạn xấu để mà tránh.
Cũng rất đáng mừng, với sự tiến bộ của xã hội ngày càng phát triển theo xu hướng đẩy mạnh sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nên đã thu hút nhiều thế hệ thanh niên đi theo con đường tốt, tìm được bạn tốt, tìm được tập thể tốt, cộng đồng tốt để cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Triết gia cổ đại Ménandre (324 – 292 Trước Công nguyên) đã bày tỏ niềm hân hoan vui mừng với những ai tìm được bạn tri kỷ: “Sung sướng thay cho những ai đã gặp được một người bạn xứng đáng là người bạn tri kỷ”.
Từ thời cổ đại đến nay ta đã thấy rõ rằng thời nào, xã hội nào cũng có người tốt, người xấu, vấn đề là quá trình chọn lựa bạn mà chơi.
Điều kiện thứ hai: Tự mình phải là một người tốt, người tử tế đã rồi mới hy vọng tìm được bạn tốt, bạn tử tế. Có tác giả đã nói hẳn ra: “Chỉ có người tốt mới biết được người khác tốt”. Ở đây ta đã thấy rõ quy luật nhân - quả của cho và nhận. Người tốt, người lương thiện là người đã cho ai cái gì, đã giúp đỡ ai cái gì thì lập tức phải quên ngay, không lăn tăn suy nghĩ gì nữa, không mong đợi người ta trả ơn lại cho mình. Người tốt, người lương thiện là người đã nhận của ai cái gì, dã được ai giúp đỡ trong lúc mình khó khăn thì phải ghi nhớ trong lòng mãi mãi, không được phép quên, vì lòng biết ơn chính là cái gốc của đời sống lương thiện.
Trái lại, kẻ xấu, kẻ bất lương giúp được ai cái gì thì kể công mãi, mặc cả mãi không thôi. Kẻ xấu, kẻ bất lương chịu ơn ai thì nhanh chóng phủi tay, quay lại đối xử chẳng ra gì với người đã có ơn với mình.
Về lý thuyết thì tạm dễ hiểu như thế, nhưng trên thực tế cuộc sống thì rất khó khăn để lựa chọn, để đánh giá, để phân loại.
Triết gia cổ đại Cicéron (106 – 43 Trước Công nguyên) đã dạy ta một phép thử, một cách làm “test” tình bạn: “Ta sẽ biết rõ một người bạn thật sự là bạn khi cái địa vị của ta không còn được như trước nữa”. Không còn được như trước là ta đã hết tiền, không còn địa vị như cũ trong xã hội nữa thì bạn bè tự động chia tay ta hay giả vờ ngậm ngùi, luyến tiếc theo kiểu “đãi bôi”. Những kiểu bạn bè như thế, gọi là “nhạt hơn nước ốc, bạc hơn vôi” hoặc “bạn đường ngắn ngày” rất nên biết mà tránh xa đi thì hơn.
Để khép lại bài viết về người bạn tri kỷ, nên nhớ mãi tâm sự của nhà triết học cổ đại Pythagore (khoảng 500 năm Trước Công nguyên): “Khi tôi gần người bạn tri kỷ, tôi không còn thấy lẻ loi nữa vì hai chúng tôi chỉ là một”.
Xin chúc cho tất cả chúng ta có được lòng ước muốn của bậc thầy Pythagore.