Chốt giá vé tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Hạnh Nhân 09/06/2021 08:00

Hiện các bộ, ngành chức năng đang nỗ lực đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại. Giá vé đã được ban hành. Tuy nhiên, người dân Hà Nội đặt câu hỏi, không biết khi nào tàu chính thức khởi hành?

Hà Nội Metro thông tin: Theo quyết định của UBND TP Hà Nội vừa ban hành, hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông trong 15 ngày đầu khai thác thương mại được miễn vé.

Sau thời gian trên, hành khách có thể chọn mua vé theo hình thức vé lượt, vé ngày, vé tháng. Giá vé lượt gồm vé theo chặng (giữa các ga) và toàn tuyến ở mức trong khung giá từ trên 7.000 đồng (mua bằng tiền mặt giá 8.000 đồng) cho đến 15.000 đồng; vé ngày 30.000 đồng/người/ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến).

Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người/tháng cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người/tháng cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp. Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể được áp dụng mức giá 140.000 đồng/người/tháng. Các mức giá trên đã bao gồm tiền bảo hiểm thân thể cho hành khách đi trên tuyến và các khoản chi phí trung gian thanh toán (nếu có).

Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 14/6/2021. UBND TP Hà Nội cũng giao Sở GTVT, Sở Tài chính tổng kết và trình UBND thành phố ban hành giá vé phù hợp, sau khi có định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành và các quy định về chi phí, vận hành đường sắt đô thị.

Ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Hà Nội Metro cho hay: Khi dự án được đưa vào khai thác thương mại, tại các nhà ga sẽ được bố trí thêm các dịch vụ tiện ích phục vụ khách đi tàu, như máy rút tiền tự động (ATM), máy bán hàng tự động, cửa hàng ăn nhanh, quầy hàng thời trang, đồ lưu niệm, các biển quảng cáo, giới thiệu sản phẩm.

Theo Sở GTVT Hà Nội, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày. Khung giờ cao điểm cứ 6 phút sẽ có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người. Trong giờ bình thường tàu được khai thác 10 phút/chuyến. Thời gian tàu chạy toàn tuyến hết 25,5 phút (gồm cả thời gian dừng). Khu vực tổ chức dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy để hành khách gửi xe chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị cũng được bố trí thuận lợi.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội dự kiến lượng khách đi lại trên tàu đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ rất lớn. Để đảm bảo việc kết nối, các tuyến buýt hiện có sẽ được điều chỉnh, bố trí lại. Việc điều chỉnh luồng tuyến đảm bảo đồng bộ, tăng cường kết nối ngang từ 12 nhà ga với các tuyến buýt, giảm dần kết nối dọc. Có 3 kịch bản kết nối và vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Với kịch bản số 1, Sở GTVT sẽ tổ chức khai thác các tuyến buýt theo như phương án hiện đang vận hành, các chỉ tiêu khai thác giữ nguyên như hiện tại để đảm bảo việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn trong thời gian trải nghiệm miễn phí hệ thống đường sắt đô thị trong 15 ngày đầu vận hành thương mại.

Với kịch bản thứ 2, Sở GTVT Hà Nội sẽ tổ chức, điều chỉnh lại các tuyến buýt đảm bảo nguyên tắc và mục tiêu kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông), đảm bảo theo lộ trình, các tuyến buýt ít bị ảnh hưởng điều chỉnh trước, các tuyến buýt bị ảnh hưởng lớn điều chỉnh sau.

Với kịch bản thứ 3, khi gặp sự cố, đoàn tàu dừng hoạt động trên 2 tiếng: Trường hợp đoàn tàu gặp sự cố dừng hoạt động trên 2 tiếng sẽ tổ chức vận hành các tuyến buýt theo như phương án đã điều tại kịch bản 2.

Để tổ chức giao thông tăng tính kết nối, tiếp cận, Sở GTVT Hà Nội dự kiến tổ chức cấm ô tô (trừ xe buýt) trên đường Giảng Võ nhỏ (đoạn từ Hào Nam tới Nguyễn Thái Học) để tạo hành lang bổ sung tăng cường cho các tuyến xe buýt lưu thông kết nối ga Cát Linh với điểm trung chuyển Kim Mã và ngược lại.

Được biết, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13 km với 12 ga đưa đón khách, trên lộ trình: Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - ĐH Quốc gia-vành đai 3 - Thanh Xuân - Bến xe Hà Đông-trung tâm Hà Đông-La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới và khu đề-pô tại Ba La (Hà Đông). Tuyến có 13 đoàn tàu (mỗi đoàn 4 toa), tốc độ vận chuyển tối đa 80 km/giờ.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011, với kế hoạch hoàn thành năm 2016, nhưng chậm tiến độ tới nay. Dự án có tổng mức đầu tư 868 triệu USD, trong đó vốn vay Trung Quốc là 669,6 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án do Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm Tổng thầu.

Như vậy, sau một thập kỷ chờ đợi, theo kế hoạch gần nhất, Bộ GTVT bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho UBND TP Hà Nội để khai thác thương mại vào dịp lễ 30/4-1/5/2021. Tuy nhiên, dự án này thêm lần nữa lại lỡ hẹn với người dân Thủ đô.

Hạnh Nhân