Giải quyết tồn đọng, bức xúc để thu phí dịch vụ thoát nước

Lê Anh 09/06/2021 06:30

UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành khung giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025, cùng lộ trình thu phí được dự kiến bắt đầu từ năm 2022. Dù vậy, xung quanh chủ trương này vẫn còn không ít băn khoăn.

Hệ thống thoát nước TP HCM bị xuống cấp, kèm theo thi công kéo dài dẫn tới không giải quyết được tình trạng ngập nước.

2022: Chính thức thu phí

Chủ trương về thu phí dịch vụ thoát nước được Sở Xây dựng TP HCM để xuất từ tháng 8/2020 bằng tờ trình về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước ở TP HCM giai đoạn 2020-2024.

Trước đó, Sở này cũng thực hiện bước lấy ý kiến tham vấn, góp ý của nhiều sở ngành liên quan. Tại thời điểm này, Sở Xây dựng TP HCM đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước năm 2020 với mức 1.430 đồng mỗi m3 (chưa gồm thuế giá trị gia tăng) để dùng vào đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước.

Kế đó, năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và có mức 4.237 đồng dự kiến thu vào năm 2024. Về phương thức thu, Sở này có đề xuất giao cho Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) dựa trên căn cứ khối lượng nước tiêu thụ hàng tháng của hộ dân để thông qua hóa đơn.

Cần nói thêm rằng, vào thời điểm đề án được công bố rộng rãi, nhiều cơ quan đã phản biện rằng vào thời điểm 2020 (giữa lúc TP HCM đang gồng mình phòng, chống dịch Covid-19) chưa phù hợp để thực hiện chủ trương thu phí dịch vụ thoát nước do lo ngại sẽ chồng thêm gánh nặng mưu sinh đối với người nghèo và các tầng lớp yếu thế trong xã hội.

Đáng chú ý, vào thời điểm tháng 8/2020 Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) gửi văn bản kiến nghị UBND TP HCM xem xét không thu phí dịch vụ thoát nước trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. HoREA nhìn nhận thực trạng tổng chi phí cho hoạt động duy tu, bảo trì... thoát nước trong 5 năm qua vẫn chưa đủ bù đắp để thực hiện công tác duy tu hệ thống thoát nước.

Do vậy, việc thu giá dịch vụ thoát nước là rất cần thiết. Dù vậy, giữa bối cảnh đại dịch cuối năm 2020 còn diễn biến phức tạp và đại bộ phận người dân đều bị tác động rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều người bị thiếu việc làm, mất việc, dẫn đến thất nghiệp, giảm thu nhập do dịch…Không ít đối tượng trong xã hội phải cắt giảm chi tiêu, gồng gánh mưu sinh, khiến HoREA đề xuất chưa nên thu phí vào thời điểm nhạy cảm này.

Bước sang năm 2021 vẫn là thời điểm diễn biến dịch Covid-19 có tốc độ lây lan phức tạp và khó lường hơn, nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa là lúc TP HCM triển khai việc thu phí theo đề án Sở Xây dựng đề xuất kể trên. Theo đó, các tham vấn cho rằng thành phố vẫn nên giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như thời điểm năm 2019, để chung tay giảm bớt gánh nặng cho người dân.

Do các vấn đề trên, TP HCM chưa vội quyết định về thời điểm để thu phí thoát nước từ đó cho đến nay. Chỉ mới đây, vào cuối tháng 3/2021 Sở Xây dựng TP tiếp tục có tờ trình UBND TP về dự thảo giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, ở lần đề xuất này Sở Xây dựng đưa ra phạm vi điều chỉnh giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn có thay đổi. Trong đó, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước và đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

Trong khi đó, các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung nằm trong đối tượng để xây dựng phương án thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Giá thu không thấp hơn mức thu của các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.

Cũng theo đề xuất mới nhất của Sở Xây dựng TP HCM, nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại 1% trên tổng số thu thực tế để chi trả chi phí dịch vụ đi thu; thực hiện các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có).

Trong khi đó, phần còn lại nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí phát sinh.

Trước đó, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất 3 phương án tăng giá dịch vụ thoát nước từ nay đến năm 2024, trong đó năm 2020 thu bằng 20% giá nước sạch, từ 2021-2024 tăng thêm 5%.

Đến ngày 7/6, Văn phòng UBND TP HCM cho biết, UBND TP HCM đã xem xét tờ trình của Sở Xây dựng và ban hành quyết định giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn giai đoạn 2022-2025. Theo lộ trình, từ năm 2022 thành phố sẽ chính thức thu giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn.

Cần hệ thống thoát nước đạt chuẩn

Việc chọn thời điểm 2022 để thu phí đã cho thấy TP HCM có cân nhắc về diễn biến dịch Covid-19 của thời điểm hiện tại (2021) còn phức tạp và chưa phù hợp để triển khai ngay. Do đó, dựa trên tham mưu của các cơ quan ban ngành liên quan thời điểm 2022 có thể phù hợp để chính thức triển khai việc thu phí dịch vụ thoát nước.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cũng cho rằng còn có các khía cạnh đô thị lớn nhất nước cần quan tâm nếu chính thức thu phí từ năm sau (2022). Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường thuộc Ủy ban MTTQ TP HCM, trước khi chính thức thu các khoản phí kể trên thì thành phố phải có sự đầu tư, cải tạo, sau đó kiểm tra nghiệm thu hệ thống công trình xử lý nước thải đạt chuẩn trên địa bàn thành phố.

Theo chuyên gia này, hiện nay ở không ít quận, huyện hệ thống thoát nước đã xuống cấp, cần duy tu, bảo dưỡng. Đồng thời, nếu được bàn giao công trình xử lý nước thải của dự án thì mới đảm bảo giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình sinh sống tại các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố hiện nay.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị thành phố quan tâm, quyết liệt thực hiện các dự án, công trình xử lý nước thải sinh hoạt đang còn dở dang hoặc bị “dự án treo”, dẫn đến chưa bàn giao được công trình xử lý nước thải sinh hoạt cho cơ quan chuyên ngành, người dân. Từ đó, tháo gỡ trực tiếp những bức xúc, vướng mắc kéo dài của người dân trong thời gian qua.

Lê Anh