Đỗ Lai Thúy nói ngắn viết dài
Đỗ Lai Thúy là thầy tôi. Ông giảng Khóa 6 Viết văn Nguyễn Du cách đây đã hơn 20 năm. Đến lớp, thầy đã ít nói lại nói nhỏ, ở dưới anh chị em mải miết chuyện riêng, thành ra lớp học nhiều khi mỗi người mỗi ý theo cá tính văn chương. Cơ mà, khi chỉ còn vài người trong quán rượu thì các ý kiến của thầy mới được đám học trò chúng tôi tối đa tranh thủ.
Mặc dù khi đó thầy nói cũng ít, cơ bản lắng nghe chúng tôi tranh cãi, phản biện, khoe khoang, tinh tướng vấn đề gì đó về văn hóa, lịch sử, văn học nghệ thuật đến độ căng thẳng thầy mới đứng ra phân giải, mà cũng chỉ vài câu, thậm chí là vài chữ như “cậu Đoàn đúng”, “chị Ngọc sai”, “chưa chắc”, “có lẽ thế”… là tình hình đâu vào đấy cả. Chúng tôi đủ thông minh hiểu rằng, để nói ngắn được như thầy không chỉ dựa vào tài năng mà cái chính yếu là trên nền tảng thực học mới có được.
Nói ngắn, nói ít nhưng thầy thường viết dài. Câu văn cũng dài, đa tầng đa nghĩa. Đến mức một số anh chị phê bình đương thời vì không hiểu hết ý mà bắt bẻ, thậm chí lu loa ngờ vực khá tức cười. Thường sau những trận như thế, thầy không hề đổi khác. Thầy vẫn viết theo văn phong của mình. Việc thiên hạ thì để cho thiên hạ. Chuyện này mãi thành quen với chúng tôi.
Thầy Thúy rất chuyên tâm với công việc, việc nghiên cứu phê bình vốn đơn thương độc mã không chỉ tốn thời gian và sức lực mà còn tước đi nhiều nhu cầu vật chất tinh thần thiết yếu. Càng những bậc đa đề, đai đẳng trong giới càng đi xa càng cô độc. Tất nhiên trên đỉnh cô phong tráng lệ ấy, các đa đề cũng luôn biết cách tự thưởng ngoạn chính cuộc đời mình.
Người đời vẫn cho rằng, đỉnh cao của thầy Thúy là loạt bài nghiên cứu Hồ Xuân Hương đã in thành tập “Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực” đưa ra những góc nhìn mới mẻ về văn và đời của bà chúa thơ Nôm. Nghiên cứu Hồ Xuân Hương cũng là thầy Thúy tự nghiên cứu mình. Chọn việc khó để làm. Chọn chính mình làm đối tượng đỡ phải tranh giành, chia sẻ với ai. Càng tự do tự tại muốn chơi thì chơi muốn làm thì làm. Điều mà những người có tài rất thích. Điều mà những kẻ kém cỏi rất sợ.
Đỗ Lai Thúy sẽ nghiên cứu chính mình ra sao đây? Cưỡi cọp sẽ bắt đầu như thế nào? Đã có ai an toàn rời khỏi lưng cọp hay chưa? Đại khái tạm hỏi thế. Phải chăng thế mà thầy ít nói? Không có thì giờ phản biện xung quanh? Chỉ quan tâm duy nhất cưỡi cọp trên con đường độc đạo tới đỉnh cô phong heo hắt mây ngàn bỏ mặc thị phi ngổn ngang quanh quất.
Những điều thầy Thúy đặt ra và hệ thống hóa trong “Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực” đã căn bản lý giải ngọn nguồn bản chất, bản năng người phụ nữ Việt Nam không chỉ khu biệt trong thời phong kiến mà đã mầm mống manh nha từ tiền sử, cổ sử, mở một mạch nguồn tới đương đại, tới hiện đại. Kiến thức của ông thầy ít nói bỗng được thỏa thích khi nói về chính mình, tự tố cáo mình, tự dìm mình xuống, nâng mình lên, mở mình ra, thắt chặt, buông tuồng, nhi nhiên, phóng túng đầy đủ cung bậc ái ố hỉ nộ của vạn kiếp sinh linh. Chính điều này khiến thầy Thúy rộng lớn cũng là trêu ngươi cái chật chội nên phản biện về thầy đã tăng lên.
Từ cuốn sách xôn xao dư luận, tái bản nhiều lần “Mắt thơ” (Phê bình phong cách Thơ mới, 1992, sau tái bản nhiều lần); đến “Từ cái nhìn văn hóa” (Tập tiểu luận, 1999); “Chân trời có người bay” (Chân dung các nhà nghiên cứu, 2002); “Nghệ thuật như là thủ pháp” (Lý luận văn học của các nhà Hình thức luận Nga, 2001); “Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật” (2000); “Sự đỏng đảnh của phương pháp” (2004); “Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa” (2005); “Theo vết chân những người khổng lồ” (2006); “Bút pháp của ham muốn” (2009)… Ngoài ra, thầy Thúy còn tham gia dịch nhiều chuyên luận và sách như: “Luận về xã hội học nguyên thủy”; “Nghệ thuật như là thủ pháp - Lý thuyết chủ nghĩa hình thức Nga”; “Văn hóa học - Những lý thuyết nhân học văn hóa”… đã cho thấy sự lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc, và cũng từ đó, giới nghiên cứu phê bình, nhất là bạn đọc đã có cái nhìn đầy đủ, khách quan, trung thực về Đỗ Lai Thúy, nhất là sự nói ngắn, nói ít, nhiều lúc là không nói của thầy.
Từ các công trình của Đỗ Lai Thúy đã toát lên vẻ đẹp văn hóa của người Việt không chỉ biết hưởng thụ thụ động những lợi ích từ văn hóa đem lại, mà còn biết nhận diện, hiểu rõ, biểu lộ, khái quát và vận hành một cách thấu triệt, không ít lúc là độc đáo, đã cho thấy sự trưởng thành của người Việt không đơn thuần chỉ ở vật chất mà còn ở tầng sâu cội rễ tinh thần. Điều này không chỉ bằng trải nghiệm mà còn bằng vào tư duy khoa học, nhất là triết học, đặc biệt là triết học hiện sinh, điều này theo tôi là một phẩm chất nổi trội của thầy Thúy.
Trầm hậu và điềm tĩnh là một trong những đức tính của Đỗ Lai Thúy. Trước một cái sai, thường thì người khác sẽ thẳng thừng vớ lấy, hả hê phê phán theo ý mình, từ đó xác lập công lao. Thầy Thúy khác. Đó là nét trầm hậu của bậc thầy chăng? Người ta đương nhiên khác mình thì việc cất tiếng của họ cũng phải được hiểu là quyền lợi chính đáng chứ? Còn có biết bao điều cần thiết, cấp bách hơn đang chờ phía trước. Thôi đành khẩn trương bước qua những hốc đá, gộc cây, chông trà, rác rến để tiến về phía trước. Đã ở trên lưng cọp, việc nhận thêm gạch đá, đao thương cũng là lẽ thường tình. Bản thân ông cọp không chỉ bên ngoài vằn vện vết gươm thù mà bên trong trái tim ngài cũng luôn tứ bề rỉ máu.
Đỗ Lai Thúy gần đây đảm đương cương vị Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa thêm bộn bề công việc. Thực chất thì thầy đã làm công tác này rất lâu rồi. Không có ai phân công mà toàn là tự lực. Càng không có nguồn lực nào hỗ trợ công việc chính đáng này. Giới trí thức ở ta bao giờ cũng đắm say với văn hóa dân tộc, văn hóa nhân loại, những tinh hoa đã sinh ra và nuôi dưỡng loài người. Chúng ta phải có trách nhiệm và niềm tin với nó.
Đỗ Lai Thúy từng thủ thỉ nêu ra quan điểm của mình về văn hóa Việt Nam: “Nhìn văn hóa Việt Nam từ mẫu người văn hóa, tôi tránh được một cái nhìn tuyến tính của sử biên niên, hơn nữa, lối tiếp cận này còn trình ra một cách hiểu khác về văn hóa. Văn hóa, tôi nghĩ, không chỉ là những gì bày ra trên mặt đất, mà, quan trọng hơn, còn là những trầm tích trong lòng đất. Và trong lòng người”.
Đó là những đóng góp không nhỏ về nhận thức của một trí thức chân chính.
Đối với lứa chúng tôi, những người sáng tác luôn tìm thấy được ở thầy một sự động viên lớn lao trong bước đường sáng tạo đơn độc. Thầy chưa bao giờ khen sáng tác của chúng tôi. Điều đấy có hề gì? Thầy chưa bao giờ bàn bạc hoặc định hướng sáng tác phải thế này, thế khác. Điều đó thực là có ích! Thầy luôn đứng sát bên cạnh, kể cả lúc mọi người thân cận đã bỏ đi. Thầy đặc biệt quan sát và nhập cuộc, sẵn sàng lên tiếng và lên đường khi chúng tôi thực hiện những công việc về nghiên cứu lịch sử, văn hóa, danh nhân… Hóa ra ông thầy cũng thật ham chơi. Thầy khoái đi điền dã lắm. Không chỉ đúng giờ đúng hẹn mà cái cách thầy Thúy khơi gợi, giải đáp, khuyến khích chúng tôi cũng khá đặc biệt, nhiều khi cứ ậm à ậm ừ mà người đối diện lại thông tỏ cũng là bí truyền chăng? Cuộc nào có thầy cũng khiến chúng tôi vừa hăng say vừa chừng mực hơn trong sinh hoạt và công việc.
Đỗ Lai Thúy, hẳn nhiên thầy đã đạt đạo theo cách của riêng mình. Chúng tôi biết thầy luôn coi trọng học trò như bạn, thậm chí là chí thiết. Và cao hơn, cũng như thầy, lứa học trò chúng tôi cũng đã tự biết mình đang ở trên lưng cọp.