Nhà văn Hoàng Anh Tú: Thật tuyệt vời, Việt Nam!
Là tác giả của nhiều đầu sách về hành vi, kỹ năng, cư xử, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ cảm nhận chung về diễn biến, biểu hiện tinh thần của người Việt, đặc biệt trong thời gian hơn một năm qua, khi dịch Covid-19 xảy ra, tác động nhiều chiều lên đời sống mỗi người dân.
1. Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, để hiểu tâm lý, tính cách của người Việt thì cần những nghiên cứu sâu, rộng từ các nhà nghiên cứu. “Từ cá nhân mình, tôi chỉ mạn phép chia sẻ ra những điều mình mắt thấy tai nghe, từ chính những bạn trẻ thường viết thư, trò chuyện với tôi. Đó là sự sẵn sàng tương trợ, càng gian khó, người Việt càng đoàn kết với nhau. Khó khăn như một liều thuốc kích thích người trẻ đoàn kết lại với nhau hơn. Họ dễ bị “kích động” bởi lòng trắc ẩn trong mỗi con người. Nhiều lúc, người lớn cấm đoán thì họ sẽ phản ứng lại, sẽ nổi loạn, sẽ bất tuân. Nhưng nhìn cha mẹ khó khăn, họ sẽ quyết tâm cao hơn, muốn làm gì đó giúp cha mẹ nhiều hơn. Nhiều lá thư của các bạn trẻ viết cho tôi đều là “em cố gắng học thật giỏi để mai này giúp mẹ bớt khổ”. Nghe như một mẫu câu nhưng nó là lời thật tâm của mỗi đứa trẻ. Nên mới có những gương hiếu học đa phần từ chính những đứa con biết xót thương cha mẹ mình là thế”.
Trong thời gian qua, khi đất nước trải qua liên tiếp những tai ương từ thiên nhiên như hạn hán, bão lụt, xen kẽ với đợt bùng phát dịch bệnh, cách cư xử của người Việt với nhau làm nhà văn Hoàng Anh Tú cảm thấy sự ấm áp: “Từ những ATM gạo, những đứa trẻ lấy tiền mừng tuổi để mua khẩu trang phát tặng miễn phí, đến những làn sóng ủng hộ tài chính, hiện vật cho người dân trong vùng dịch. Có những lời kêu gọi giải cứu nông sản, mua hàng người Việt để ủng hộ người Việt vượt qua đại dịch. Nhiều người cho đó là hình thức nhưng tôi lại cho đó chính là những “đường dẫn khơi gợi lòng trắc ẩn” vô cùng giá trị. Nó, tinh thần thiện nguyện lá lành đùm lá rách lây lan mạnh hơn virus SARS-CoV-2 vậy. Mỗi ngày, trên mạng xã hội, những lời kêu gọi chưa bao giờ là đơn độc, nó luôn được ủng hộ. Tôi vẫn tin, dù chỉ ủng hộ bằng một cái like, một cái share thôi cũng đã tạo ra giá trị rồi. Ai kêu đó là ảo, cái like không khiến người nghèo no bụng là bởi họ quá khắt khe mà thôi. Hãy nhìn một cách tích cực đi, một status ngàn like chắc chắn sẽ lay động ngàn người, chỉ cần 100 người trong số đó chuyển sang hành động đã là rất tuyệt rồi. Còn hơn nhìn những status không like nào, cảm giác hẳn vô cùng tiêu cực bởi lúc đó cứ như là con người quanh đó đều vô cảm hết vậy”.
2. Trải qua nhiều đợt bùng dịch, nhưng Việt Nam dù còn nhiều khó khăn về vật chất, nhưng sự tương trợ, sự đoàn kết giữa người dân với nhau lại rất mạnh mẽ. Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng: “Những khó khăn về vật chất xét cho cùng chưa là gì so với các cụ của chúng ta, thời còn bị chiến tranh, khó khăn thời bao cấp, đói nghèo. Chúng ta của thời nay không ai phải lo chết đói cả. Chỉ là chậm lại một chút, quản lý tài chính lại, nhưng qua dịch chúng ta sẽ làm lại tốt hơn. Với người chịu khó lao động, tôi tin, dịch chỉ là khó khăn lúc đó, họ sẽ vượt qua được. Còn những người lười lao động thì không có dịch họ cũng vẫn vậy kia mà, phải không? Chúng ta đang nhìn thấy rất nhiều điều tốt lành đang diễn ra mỗi ngày đấy thôi. Đặc biệt khi có dịch, bác sĩ, các nhân viên y tế đã khiến chúng ta yêu và tin xiết bao. Trước khi có dịch, chúng ta vẫn coi bác sĩ, công an, giáo viên là những nghề bị kêu la nhiều nhất vì họ làm dâu trăm họ. Nhưng dịch dã thế này, những hình ảnh chiến sỹ công an đứng chào đoàn xe chở các nhân viên y tế các nơi về Bắc Giang trợ lực cảm động không? Nếu không có lực lượng công an, dân phòng, các nhân viên y tế, liệu chúng ta có thể khống chế và khoanh vùng nhanh và nghiêm túc thế được không? Hay đợt vừa qua, các chiến sỹ biên phòng biên giới Tây Nam của Tổ Quốc đã chiến đấu thế nào trước làn sóng vượt biên trái phép mang theo dịch bệnh? Rồi các giáo viên nữa chứ, việc học online của các con đều đã được triển khai mạnh mẽ thế nào? Các cô giáo lần đầu “livestream” hẳn sẽ vô cùng khó khăn, vậy mà họ đã làm được. Thật tuyệt vời Việt Nam! Chúng ta vẫn đang làm rất tốt. Đất nước 96 triệu dân chứ có phải vài triệu như các nước châu Âu đâu mà số ca nhiễm đang ở mức mấy nghìn ca và con số tử vong chưa tới mức 100 ca. Chưa kể vừa rồi Campuchia hơn 22.000 ca mắc mà chúng ta vẫn giữ vững được Việt Nam”.
3.Trong đợt dịch này, nhìn những người chiến sĩ áo trắng đang nỗ lực khám chữa bệnh, những đoàn y bác sĩ từ tỉnh khác đến hỗ trợ cho vùng dịch, các chiến sĩ căng mình bảo vệ vùng biên, những chuyến hàng hỗ trợ đến nơi có dịch, với Hoàng Anh Tú, không có bài học nào về lòng yêu nước đẹp và lan toả, giá trị và mang tính khích lệ lớn bằng điều đó: “Cần gì phải mang rừng vàng biển bạc hay những bài học nào ra để giáo dục lòng yêu nước bằng chính những câu chuyện này, hình ảnh này. Tôi thấy chính từ ba đứa con của mình, chúng học yêu nước chính bằng những câu chuyện như thế, hình ảnh như thế. Học lịch sử để yêu nước là đúng nhưng quá khó khi người dạy lịch sử chưa giỏi. Còn đây, những thứ đang diễn ra đây, mới là thứ khiến mỗi đứa trẻ đều tin và yêu đất nước mình, tự hào về đất nước mình”.