Chứng khoán, bất động sản sôi động, ngành thuế cũng hưởng lợi
5 tháng đầu năm, các khoản thu thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán tăng 320%, thuế chuyển nhượng bất động sản tăng 183%. Dòng tiền nóng đang đổ vào chứng khoán, bất động sản.
Thuế thu nhập cá nhân tăng vọt
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, trong tháng 5/2021, thu ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 86.317 tỷ đồng, bằng 7,7% so với dự toán. Lũy kế thu NSNN 5 tháng đạt 51,6% so với dự toán, bằng 114,5% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện toàn Ngành đã có 52/63 địa phương thu ngân sách đạt trên 45% dự toán.
Trong đó, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có tiến độ thu cao, đạt 60,2% dự toán và tăng 12,7% so với cùng kỳ. Trong đó, số thu từ thuế TNCN vẫn tăng và tập trung vào các khoản thu từ chứng khoán tăng 320% so với cùng kỳ, từ đầu tư vốn của cá nhân tăng 169% so với cùng kỳ, từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) tăng 183% so với cùng kỳ.
Có thể nhận thấy rằng thị trường chứng khoán và BĐS tăng trưởng nóng trong những tháng đầu năm cũng góp phần tăng thu từ lệ phí trước bạ nhà đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng BĐS.
Cụ thể, nhiều dự án BĐS được chuyển nhượng, dẫn đến tăng thu đột biến thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản khoảng 6.000 tỷ đồng tại một số địa phương.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích, có một số nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng tương đối thấp so với mong đợi của họ nên họ chuyển dịch kênh đầu tư sang BĐS. Cũng trong thời gian vừa qua một số nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có lời. Khi đó, họ bắt đầu bán chứng khoán và bắt đầu sử dụng nguồn tiền đó để tìm kênh đầu tư trung dài hạn là đất đai.
Do vậy, các hoạt động mua bán - trao đi bán lại - sang nhượng diễn ra khá nhiều khi chứng khoán phá đỉnh, bất động sản tạo sóng. Các hoạt động này đều phải đóng thuế, phí. Đây chính là nguyên nhân chính khiến cho nguồn thu thuế TNCN từ bất động sản - chứng khoán tăng đột biến trong thời gian qua.
Theo GS Đặng Hùng Võ, các nước phát triển, sử dụng công cụ thuế chuyển quyền theo đánh lũy tiến ở mức cao vào những trường hợp mua nhanh, bán nhanh mang tính “lướt sóng”. Họ cũng có sắc thuế riêng đánh vào giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư của người khác mang lại. Hiện nay hệ thống thuế BĐS của Việt Nam chưa được đổi mới, do đó chưa thể dùng công cụ thuế để cắt sốt đất. Việc người dân chuyển quyền sử dụng đất vẫn phải xác nhận đăng ký giao dịch.
Thu thuế đối với hoạt động cho thuê căn hộ, nhà ở
Vừa qua, Ban Chỉ đạo chống thất thu NSNN TP Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc thu, chống thất thu NSNN năm 2021, trong đó có chuyên đề quản lý công tác thuế đối với hoạt động cho thuê căn hộ, nhà ở tại các chung cư, cao ốc. Trước mắt, chuyên đề này sẽ được thí điểm tại một số chung cư ở quận 11.
Với vấn đề này, các chuyên gia tài chính cho rằng việc thu thuế căn hộ, nhà ở cho thuê là chuyện bình thường. Tuy nhiên, vấn đề là thực hiện như thế nào để đúng quy định pháp luật, để thuận tiện cho người dân (chủ hộ), bảo đảm minh bạch và công bằng.
Phản hồi về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế Giá trị gia tăng và Luật thuế Thu nhập cá nhân thì cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu trở xuống không thuộc diện chịu thuế. Các trường hợp cá nhân có bất động sản cho thuê có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm (trên 8,3 triệu đồng/tháng) được xác định là đối tượng phải kê khai, nộp thuế.
Theo đó, việc thu thuế đối với hoạt động cho thuê căn hộ, nhà ở là thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành cũng như luật pháp của nhiều nước trên thế giới.
Thời gian tới, để những người cho thuê căn hộ, cho thuê nhà ở thuộc diện đóng thuế thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và xã hội được thuận lợi nhất, ngành Thuế cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu được việc đóng thuế khi cho thuê nhà ở là trách nhiệm và nghĩa vụ và phải nghiêm túc chấp hành.