Nhiều dự án giao thông nợ đọng
Bộ Giao thông vận tải vừa điểm danh 49 dự án BOT, BT và 97 dự án vốn nhà nước từ các nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, nước ngoài, vay… chưa hoàn thành công tác quyết toán toàn bộ dự án gây nợ đọng vốn xây dựng cơ bản kéo dài.
Theo đó, một số đơn vị còn nhiều dự án chậm quyết toán là: Ban Quản lý dự án 2 có 23 dự án: Quốc lộ 1, đoạn Hà Nội-Bắc Giang, Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội-Thái Nguyên giai đoạn 1, Quốc lộ 1 đoạn tránh Thanh Hoá, dự án tuyến tránh Đông Hưng, xây dựng Cầu Bãi Cháy… Ban Quản lý dự án 7 với các dự án: Quốc lộ 1 đoạn qua Cai Lậy, cầu Rạch Miễu… Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VEC có 6 dự án gồm cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình...
Tại Chỉ thị 05/CT-BGTVT về việc tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán dự án hoàn thành vừa ban hành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 27/2013/CT-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán dự án hoàn thành, thời gian qua Bộ đã triển khai các giải pháp đồng bộ, nên công tác quyết toán dự án hoàn thành được chú trọng. Kết quả công tác quyết toán dự án hoàn thành đạt khối lượng rất lớn.
Tuy nhiên, còn nhiều đơn vị chậm lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo quy định. Cụ thể, một số dự án chưa được quyết toán dứt điểm toàn bộ dự án, nhất là các dự án ODA và BOT cũng như công tác quyết toán giải phóng mặt bằng ở các địa phương. Việc xử lý, chấp hành kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm toán nhà nước còn chậm trễ, chưa triệt để.
Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm. “Vụ Kế hoạch đầu tư báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định việc không giao dự án mới cho chủ đầu tư, Ban quản lý dự án nếu không khắc phục được việc nộp báo cáo quyết toán chậm từ 24 tháng trở lên. Việc không bố trí kế hoạch vốn cho dự án nếu không khắc phục được nộp báo cáo quyết toán chậm từ 12 tháng trở lên”, Bộ GTVT kiên quyết.
Đối với chủ đầu tư, nhà đầu tư, Ban quản lý dự án, Bộ GTVT lưu ý, cần tăng cường nhân lực, tập trung cho công tác quyết toán dự án hoàn thành, xử lý dứt điểm các vướng mắc tồn tại, lập trình quyết toán toàn bộ dự án theo đúng quy định. Xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý có tồn tại về quyết toán. Đưa nội dung thực hiện quyết toán vào hợp đồng khi lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng theo quy định làm căn cứ xử phạt vi phạm;…Ngoài ra, các cơ quan tham mưu khác của Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cục quản lý chuyên ngành cũng được chỉ đạo thực hiện các nội dung cụ thể nhằm xử lý dứt điểm thực trạng trên.
Bộ GTVT yêu cầu, chậm nhất năm 2021 phải trình quyết toán dứt điểm toàn bộ các phần còn lại chưa được thoả thuận quyết toán của toàn bộ các dự án BOT. Sau thời gian trên, nếu không trình quyết toán các chi phí chưa được thoả thuận quyết toán về cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ban Quản lý dự án tự chịu trách nhiệm về giá trị không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thoả thuận quyết toán.
Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, vốn vay, vốn ngân sách nhà nước, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án hoàn tất các thủ tục quản lý đầu tư, trình duyệt các bổ sung phát sinh, trình điều chỉnh tổng mức đầu tư, trình cấp có thẩm quyền xử lý các tồn tại, chậm nhất trong năm 2021, phải hoàn tất các thủ tục quản lý đầu tư, quyết toán các chi phí tư vấn, chi phí khác. Khẩn trương trình quyết toán các nội dung còn lại của dự án chậm nhất trước tháng 6/2022.
Bộ GTVT vừa thông tin, tính đến hết tháng 5/2021 đã giải ngân 13.516 tỷ đồng, đạt 32,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ GTVT đang quyết liệt đốc thúc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện nhiều giải pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong các tháng còn lại, riêng trong tháng 6/2021 sẽ phải giải ngân thêm khoảng 2.976 tỷ đồng.