Chặn mầm bệnh từ rác thải

Ngọc Anh 10/06/2021 09:28

Không trực tiếp tham gia vào lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 nhưng công nhân vệ sinh môi trường vẫn từng ngày, từng giờ có mặt ở các khu cách ly tập trung, bệnh viện để thu gom, vận chuyển, xử lý các loại rác thải y tế, rác thải sinh hoạt.

Trong bộ bảo hộ trùm kín người, trong cái nắng như đổ lửa, họ lặng lẽ, cẩn trọng từng bước một, bởi rác thải có thể là trung gian lây bệnh nếu không được xử lý theo đúng quy trình nghiêm ngặt…

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM (CITENCO) được UBND TP HCM chỉ đạo phụ trách thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực cách ly người mắc Covid-19, ước tính khoảng 12 tấn/ngày. Đây là một khối lượng công việc không nhỏ, lại chịu rất nhiều áp lực.

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc CITENCO, gần 1 tháng qua, khi dịch lây lan mạnh ở TP HCM, số lượng người được cách ly tập trung và cách ly tại khu dân cư tăng cao, công việc của các công nhân CITENCO cũng tăng gấp đôi so với thời gian trước. Mỗi ngày, các nhân viên của công ty phải dậy từ 3 giờ sáng, chạy xe khắp thành phố để thu gom rác thải tại 85 khu cách ly, bệnh viện. Công việc được làm nhanh gọn để không ùn ứ rác thải nhưng cũng phải đảm bảo tối đa quy trình an toàn.

Tại bệnh viện dã chiến Củ Chi - một trong những khu cách ly lớn của TP HCM, hiện có khu chứa rác rộng khoảng 60 m2. Những buổi trưa, dưới cái nắng nóng gay gắt, công nhân Công ty CITENCO trong bộ trang phục bảo hộ trùm kín người vẫn lặng lẽ thực hiện các khâu thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải y tế theo đúng quy định. Những thùng rác sau khi phun khử khuẩn, niêm phong kín bằng băng keo chuyên dụng, đưa vào vị trí tập kết để cẩu lên thùng… Xe chở rác trước khi chạy trên đường cũng được phun khử khuẩn để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Lo cho sức khỏe bản thân và lo cho cả gia đình nên nhiều công nhân đã quyết định ở lại luôn công ty. Có người gần tháng nay không về nhà vì sợ nếu mình lây nhiễm bệnh trong quá trình làm việc lại vô tình lây lan cho gia đình và hàng xóm. Họ cũng giống như những người ở tuyến đầu chống dịch, lặng lẽ hy sinh và trách nhiệm hết mình với công việc với mong muốn góp một phần sức mình cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Không chỉ TP HCM, Hà Nội cũng vừa trải qua những ngày nắng nóng khủng khiếp. Làm việc trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, trong nền nhiệt cao nhưng những công nhân môi trường trong bộ bảo hộ trùm kín người vẫn lặng lẽ, cẩn trọng từng bước một, bởi họ hiểu rác thải có thể là trung gian lây bệnh nếu không được xử lý theo đúng quy trình nghiêm ngặt.

Công tác bảo đảm an toàn tối đa cho công nhân cũng được Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội và các đơn vị thành viên đặc biệt chú trọng. Đối với một số khu vực đặc biệt nguy hiểm, có những ngày rác được thu gom về khu vực tập kết rác nguy hại liên tục nên tần suất khử khuẩn rác tại nơi thu gom, tập kết; khử khuẩn người, thùng chuyên dụng và xe chuyên chở cũng phải tăng tần suất, không bỏ qua bất cứ một khâu nào trong quy trình. Tuyệt đối không để rác trở thành nguồn lây dịch bệnh ra cộng đồng hay hưởng đến sức khỏe của chính những người đang thực hiện công việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác.

Mỗi công nhân trước khi đi vào khu thu gom cách ly đều phải qua các khâu kiểm tra, khử khuẩn; kiểm tra thân nhiệt, cấp phát dung dịch khử khuẩn cơ thể… Công tác khử khuẩn, trước tiên là để đảm bảo an toàn cho công nhân; ngoài ra còn tránh được nguy cơ mỗi công nhân hay công cụ, vật dụng lao động trở thành một vecto truyền virus ra cộng đồng.

Còn tại Bắc Giang, với các khu điều trị người mắc Covid-19, toàn bộ chất thải rắn phát sinh từ khu vực điều trị người mắc Covid-19 trong cơ sở y tế được coi là chất thải lây nhiễm và phải được thu gom, quản lý như đối với chất thải y tế nguy hại. Chất thải phát sinh phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.

Trước khi thu gom, túi đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi và bỏ vào thùng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. Thùng thu gom chất thải phải có thành cứng, có bánh xe đẩy và được lưu giữ tạm thời tại khu vực riêng biệt, tối thiểu 1 lần/ngày được thu gom về khu lưu giữ tập trung trong khuôn viên của cơ sở y tế. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài…

Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC), lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đang phải làm nhiệm vụ thu gom rác trực tiếp tại khu vực có người mắc Covid-19 trên cả nước phải được xếp vào nhóm tuyến đầu chống dịch, là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, cần được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.

Ngọc Anh