187 người ứng cử đại biểu Quốc hội là đồng bào dân tộc thiểu số

PV 26/05/2021 00:00

Theo Nghị quyết 559/NQ-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước thì số đại biểu là người dân tộc thiểu số có 187 ứng cử viên.

Các địa phương có tỉ lệ người dân tộc thiểu số ứng cử cao như Lạng Sơn (100%), Lai Châu (100%), Cao Bằng (87,5%), Điện Biên (87,5%), Hà Giang (87,5%), Kon Tum (87,5%), Yên Bái (87,5%).

Cử tri xã Đắc Pring (huyện Nam Giang – Quảng Nam) bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Tấn Thành.

Đa phần ứng cử viên người DTTS ở các địa phương miền núi, vùng DTTS lần đầu tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hội đồng Dân tộc đã đặc biệt chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vận động tranh cử cho các ứng cử viên người DTTS thông qua việc tổ chức Hội nghị tập huấn “Kỹ năng vận động tranh cử cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh là người DTTS”.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương đã phối hợp với Ủy ban bầu cử và UBND cùng cấp tổ chức tốt công tác vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đặc biệt phối hợp với chính quyền cùng cấp xây dựng các kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa người ứng cử với cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử và chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của Ủy ban bầu cử cùng cấp.

Ủy ban bầu cử các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử, nhất là cấp xã cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên của Mặt trận để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nắm vững pháp luật về bầu cử, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, thông qua các vị là chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, các già làng, trưởng tộc vận động cử tri đi bầu cử; đảm bảo để cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm; thực sự là ngày hội của toàn dân.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời, trong đó có 53 DTTS, với hơn 14 triệu người (chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước). Hiện nay có 56/63 tỉnh, thành phố, 463 huyện và 5.453 xã có đồng bào DTTS sinh sống theo cộng đồng tại các thôn, buôn, bản, phum, sóc… Do vậy, việc tham gia của đại diện DTTS có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong hệ thống chính trị các cấp nói chung và cơ quan dân cử nói riêng.

Theo ông Quàng Văn Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, thực tiễn nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua cho thấy, việc đồng bào các dân tộc tham gia tích cực và bầu chọn được các đại biểu Quốc hội thực sự ưu tú, có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm đã góp phần không nhỏ vào thành công của Quốc hội khóa XIV, nhất là trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Nhiệm kỳ khóa XIV, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã ghi dấu ấn lịch sử trong hoạt động của mình khi đã đề xuất, tranh thủ được sự ủng hộ của Quốc hội, các ĐBQH thông qua khoản 1, Điều 68a, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hai nghị quyết quan trọng với đại đa số phiếu tán thành. Đó là Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Có thể nói, đây là những quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội, bởi lần đầu tiên Quốc hội ban hành hai nghị quyết riêng về lĩnh vực dân tộc.

PV