Mạnh dạn chuyển đổi để tăng thu nhập
Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác nhằm mang lại giá trị cao hơn đã và đang được nhiều địa phương quan tâm triển khai và thành công.
Tại những vùng đã chuyển đổi xuất hiện những mô hình có thu nhập cao hơn nhiều so với cấy lúa, nhờ đó đời sống người dân cũng khấm khá hơn.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện mỗi năm cả nước chuyển đổi được từ 120 đến 131 nghìn hecta từ đất trồng lúa sang cây hằng năm. Trong đó, loại cây trồng chuyển đổi là rau, ngô, khoai, dược liệu, cây thức ăn cho gia súc... Ngoài ra, cũng trong thời gian này, mỗi năm có gần 24 đến 38 nghìn hecta chuyển đổi sang cây ăn quả như: Cây có múi, xoài, nhãn, vải, thanh long… và có từ 21 đến 46 nghìn hecta chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa.
Tại Trà Vinh, hiện hàng chục ngàn lượt hộ nông dân trong đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất trên những vùng đất lúa ven triền giồng, gò cao thiếu nước tưới, đất trồng mía,… không hiệu quả sang trồng các loại cây màu như ngô, bí đỏ, dưa hấu, dưa leo, rau xanh cho thu nhập từ 80 – 130 triệu đồng/ha/vụ. Không chỉ đất trồng lúa mà nhiều diện tích đất trồng mía cũng được chuyển sang trồng màu mang lại nguồn thu nhập khá cho người nông dân.
Chỉ tính từ trung tuần tháng 4 đến nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi có nhiều cơn mưa nên nông dân trong tỉnh đã mở rộng diện tích trồng cây màu đạt tổng diện tích toàn tỉnh gần 30 nghìn hecta, tăng hơn 6 nghìn hecta so 6 tháng năm 2020 và đạt hơn 50% kế hoạch năm 2021.
Theo lời bà Diệp Thị Thanh, trú tại ấp Cây Da, xã Đại An cho biết, gia đình bà có 0,3 hecta đất trồng lúa gò cao, xa kênh thủy lợi nội đồng nên gia đình bà không sản xuất vụ lúa Hè thu mà chuyển sang trồng dưa leo, đậu que. Nhờ giá đậu que ổn định ở mức 18.000 đồng/kg, dưa leo từ 5.000 – 6.000 đồng/kg, gia đình bà thu về hơn 35 triệu đồng/vụ.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã xây dựng Đề án chuyển đổi cây trồng, khuyến khích nông dân có vườn tiêu kém hiệu quả mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích hồ tiêu, cao su, cà phê sang trồng cây khác. Đã có 1.515 hecta hồ tiêu được chuyển đổi sang trồng các loại cây cacao, nha đam, mít, sầu riêng, đu đủ… Ngoài ra, với diện tích trồng lúa kém hiệu quả, nông dân cũng chuyển đổi sang trồng cây rau màu khác như đậu xanh, đậu phộng, mè, rau.
Gắn bó với cây hồ tiêu hơn 10 năm, nhưng khi giá tiêu xuống thấp, nhiều diện tích già cỗi, kém hiệu quả, ông Hồ Quang Kỷ (ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã, huyện Châu Đức – Bà Rịa Vũng Tàu) đã mạnh dạn phá bỏ 4.000m2 đất trồng tiêu để trồng cây nha đam. Quá trình chuyển đổi này ông được Nhà nước hỗ trợ 50% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác của loại cây trồng mới.
Và sau gần 10 tháng, vườn nha đam của ông đã cho thu hoạch, ước sản lượng khoảng 12 tấn/tháng. Với giá bán 1.300 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông ước tính thu về gần 120 triệu đồng/năm, cao gấp 3 lần so với trồng tiêu. Sản phẩm nha đam thu hoạch đến đâu được các doanh nghiệp thu mua đến đó.
Để bảo đảm các loại cây trồng sau chuyển đổi mang lại hiệu quả, các địa phương đã có những giải pháp hỗ trợ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất cây trồng. Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, với nhiều mô hình hay, cách làm tốt và đưa nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh vào sản xuất nên các mô hình chuyển đổi mang lại thu nhập cao hơn từ năm đến tám lần so với trồng lúa.