Châu Âu tập trung vực dậy nền kinh tế

Hà Anh 11/06/2021 07:33

Trong bối cảnh nền kinh tế bị suy giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái vì những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Liên minh châu Âu (EU) kỳ vọng, chứng chỉ xanh kỹ thuật số sẽ vực dậy các hãng hàng không, nhà hàng, khách sạn, tạo thuận lợi cho đi lại và du lịch ngay thời điểm đại dịch phức tạp.

Việc áp dụng chứng chỉ xanh kỹ thuật số hy vọng đem lại sự khởi sắc cho nền kinh tế châu Âu. Ảnh: Reuters.

Thông qua chứng chỉ xanh kỹ thuật số

Ngày 10/6, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức thông qua chứng chỉ xanh kỹ thuật số về Covid-19 của châu Âu, một tài liệu ở dạng giấy hoặc kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại khắp EU và khu vực Schengen từ mùa hè này.

“Chứng chỉ xanh kỹ thuật số” sẽ khôi phục tự do đi lại giữa 27 nước châu Âu trong thời đại dịch. Người mang chứng chỉ không cần phải liên tục làm xét nghiệm, mà cũng không cần phải cách ly, khi từ nước này sang nước khác.

EP cho biết, tại phiên họp toàn thể ở Strasbourg, việc áp dụng chứng chỉ xanh kỹ thuật số liên quan đến công dân châu Âu đã nhận được 546 phiếu ủng hộ, 93 phiếu chống và 51 phiếu trắng. Các văn bản này phải được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua, trước khi có hiệu lực vào ngày 1/7.

Chứng chỉ gồm 3 nội dung là chứng nhận tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã mắc Covid-19, cho thấy người sở hữu chứng chỉ này không làm lây lan dịch bệnh.

Ngày 15/6 tới đây, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU sẽ diễn ra với hy vọng trở thành cột mốc mới trong củng cố hợp tác song phương. Hai bên dự kiến sẽ nhất trí giảm bớt các hạn chế xuất khẩu đối với vaccine và thuốc điều trị Covid-19, cam kết dỡ bỏ thuế thép trước ngày 1/12/2021 và tránh để xảy ra thêm các tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Có tên chính thức là “Chứng chỉ Covid kỹ thuật số của Liên minh châu Âu” sau khi được gọi là “chứng chỉ xanh,” văn bản này do một quốc gia thành viên cấp và phải được các quốc gia khác chấp nhận làm bằng chứng hợp lệ. Văn bản này được cấp miễn phí dưới dạng giấy hoặc điện tử.

Trên thực tế, đây là ba chứng chỉ khác nhau, có thể được tích hợp vào một văn bản cho cùng một người bao gồm chứng chỉ “tiêm chủng,” chứng chỉ “xét nghiệm” hoặc chứng chỉ “bình phục”.

Các dữ liệu thể hiện danh tính của người sở hữu, chi tiết vaccine được sử dụng (vaccine gì, bao nhiêu liều), loại xét nghiệm (PCR, kháng nguyên nhanh), kết quả và ngày thực hiện.

Theo các quy định, đây không phải là một giấy thông hành. Mục đích của chứng chỉ là làm bằng chứng về tiêm chủng hoặc sàng lọc được cấp ở các quốc gia thành viên và có thể tương tác và đồng nhất với nhau.

Cho đến nay, hơn 1 triệu người dân châu Âu đã nhận được “Chứng nhận kỹ thuật số về Covid của EU”. Có 9 quốc gia EU đã phát hành chứng nhận này, trong đó: Hy Lạp, Croatia, Đức, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Ba Lan, Tây Ban Nha và Litva.

Mục tiêu dài hạn là tất cả công dân trong Liên minh Châu Âu phải có chứng chỉ và những du khách ngoài khối có thể nhận được chứng chỉ khi đến các quốc gia thành viên EU. Ủy ban châu Âu cũng đang đàm phán với Mỹ về cách xác minh tình trạng tiêm chủng của du khách Mỹ.

Nới lỏng hạn chế phòng dịch

Đi cùng với việc thông qua chứng chỉ xanh kỹ thuật số, trong bối cảnh dịch Covid-19 có dấu hiệu hạ nhiệt và tỷ lệ tiêm phòng vaccine tăng, nhiều nước châu Âu tiếp tục nới lỏng các hạn chế, mở cửa trở lại các hoạt động dịch vụ giải trí.

Với số ca mắc Covid-19 mới và nhập viện tiếp tục giảm trong nước cho phép chính phủ Bỉ tiếp tục với “kế hoạch mùa hè”, bao gồm nối lại dịch vụ trong lĩnh vực khách sạn và tổ chức các sự kiện văn hóa với số lượng hạn chế.

Bỉ cũng sẽ nới lỏng các hạn chế, cho phép các quán cà phê và nhà hàng phục vụ trong nhà, cũng như kéo dài thời gian hoạt động cho các doanh nghiệp, nới lỏng các hạn chế đối với các địa điểm thể thao và rạp chiếu phim. Nhiều người dân Bỉ bày tỏ vui mừng khi cuộc sống dần trở lại bình thường.

Tình hình dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, thành phố Munich, Đức cũng đã bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ở trung tâm thành phố. Người dân vui mừng khi “được giải phóng” khỏi khẩu trang để hít thở không khí trong lành.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo có thêm một bước tiến mới, khi người dân Pháp có thể thưởng thức các bữa ăn, cũng như hoạt động ngoài trời đến 23h00’. Theo kế hoạch, Pháp sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh giới nghiêm ban đêm vào ngày 30/6. Tuy nhiên, người dân Pháp hầu hết sẽ vẫn phải đeo khẩu trang bắt buộc khi ở ngoài trời.

Bên cạnh đó, dù theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), so với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế EU giảm 1,2%, nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong thời gian còn lại của năm, với lưu ý khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu sẽ tăng cao và thúc đẩy đà phục hồi mạnh mẽ.

Kinh tế Nam Á gây bất ngờ

Chịu tổn thất nặng nề vì dịch bệnh trong khi các nước châu Âu đã ổn định trở lại, những tưởng nền kinh tế khu vực Nam Á sẽ cần nhiều thời gian hơn để trở lại bình thường sau khi “sóng thần” Covid-19 tràn qua, nhưng theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 9/6, tăng trưởng kinh tế tại khu vực Nam Á dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn dự kiến.

Trong báo cáo trên, WB không quên nhấn mạnh đến tình trạng các ca mắc Covid-19 tăng mạnh ở Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ, và tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 chậm chạp ở một số quốc gia. Báo cáo trên cũng lưu ý về những thiệt hại đáng kể do dịch Covid-19 gây ra đối với hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, tại Ấn Độ, WB dự báo kinh tế nước này sẽ tăng 8,3% trong tài khóa 2021-2022 (bắt đầu từ tháng 4/2021), nhờ các kế hoạch tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn và y tế và sự phục hồi mạnh hơn dự báo của các ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, WB cũng dự báo kinh tế Ấn Độ tăng trưởng chậm lại ở mức 7,5% trong tài khóa 2022-2023.

Trong khi đó, tại Bangladesh, quá trình phục hồi sẽ diễn ra từ từ, với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến 3,6% trong tài khóa 2020-2021 và 5,1% trong tài khóa tiếp theo, giữa bối cảnh tiêu dùng tư nhân khởi sắc nhờ các hoạt động trở lại bình thường, lạm phát vừa phải và xuất khẩu hàng may mặc gia tăng.

Hà Anh