Thi đua yêu nước trong giai đoạn mới
Hôm nay tròn 73 năm ngày Hồ Chủ tịch ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948-11/6/2021) nhằm động viên đồng bào, chiến sỹ cả nước phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn chúng ta vừa giành được độc lập, Việt Nam đã trở thành một nước độc lập, Nhân dân Việt Nam đã được tự do; tuy nhiên, giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm vẫn đang hoành hành.
Vào thời điểm ngàn cân treo sợi tóc ấy, lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đã như một lời hiệu triệu, muôn người như một, cùng nhau đóng góp xây dựng đất nước bằng nhiều cách khác nhau, đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo.
Không chỉ là người khởi xướng, phát động các phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn coi đó là một nhiệm vụ quan trọng thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Bản thân Người còn là tấm gương mẫu mực trong các phong trào thi đua yêu nước.
Trải qua chặng đường dài lịch sử xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua Ái quốc luôn phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp; đã cổ vũ, động viên cả dân tộc nỗ lực thi đua thể hiện lòng yêu nước, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, vươn lên đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với các phong trào thi đua quy mô toàn quốc, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đều có những phong trào thi đua, với nhiều hình thức tổ chức phong phú, nội dung thiết thực, động viên và lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia.
Đại dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng trong thời gian qua diễn biến phức tạp, khó lường; đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam mà chúng ta đã vững vàng đi qua 3 làn sóng Covid-19.
Đặc biệt, 5 năm qua nhờ gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các ngành, các cấp, các địa phương có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, tiêu biểu là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”; “Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; “Dạy tốt, học tốt”; phong trào thi đua “Quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Dân vận khéo”; “Ngày vì người nghèo”; …
Đặc biệt là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào”Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để lại ai ở phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; … Nhiều bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực xã hội và của nhân dân vào xây dựng quê hương, đất nước, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, lan toả rộng khắp.
Nhất là, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 hiện nay, với sự đoàn kết, đồng lòng, chúng ta đã có nhiều tấm gương các chiến sỹ áo trắng xung phong ra trận tuyến, chiến đấu với “giặc Covid”. Họ cùng nhau lên đường chống dịch để đem lại bình an cho nhân dân. Và họ, chính là những chiến sỹ thi đua trong giai đoạn mới, thời kỳ mới.
Họ, rất tự nhiên đã làm tốt lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá”. Và, họ đã đưa phong trào thi đua yêu nước đến cái đích cao nhất là nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc.
Người đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu. Ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua.
Và, Người cũng cho rằng, để thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước, phải nâng cao lòng yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người; thi đua phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực, phải hướng phong trào đi vào thực chất, tránh hình thức và bệnh thành tích, sao cho những cá nhân điển hình xuất sắc được tuyên dương không chỉ là những người đại diện xứng đáng, tiêu biểu, tiên phong trong sản xuất và chiến đấu, mà còn là tấm gương về đạo đức cách mạng.
Nhìn lại 5 năm qua, các phong trào thi đua trên cả nước đã phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực; nội dung và hình thức thi đua ngày càng đổi mới, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là nhiệm vụ vừa chống dịch vừa tập trung phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Nhờ các phong trào thi đua đang đi đúng hướng, chúng ta tin sẽ góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển chung.