Cần chế tài mạnh để xử lý hàng giả, hàng nhái

Đức Dũng 11/06/2021 06:07

Hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ luôn là nỗi lo của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Rất nhiều các vụ việc kinh doanh, sản xuất hàng giả, nhái thương hiệu lớn đã được lực lượng công an và quản lý thị trường phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo sức răn đe, cần có các biện pháp mạnh hơn nữa.

Nhức nhối nạn hàng giả

Hồi đầu tháng 6, Tập đoàn Hòa Phát cho biết, các cơ quan chức năng tại Bình Dương đã kiểm tra và phát hiện gần 6 tấn thép xây dựng nghi vấn giả mạo nhãn hiệu của tập đoàn. Số hàng trên tại kho hàng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tương Lai Việt, địa chỉ số 48, Quốc Lộ 1K, khu phố Đông A, phường Đông Hòa, thành phố Dĩ An (Bình Dương).

Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường – Bộ Công thương, các mặt hàng khi bị phát hiện xử lý, sẽ có 2 cách để xác minh: một là sự xác nhận của đúng chủ thể quyền sở hữu thương hiệu, hoặc cách thứ 2 là đi kiểm nhiệm kiểm định. Sau khi xác minh xong sẽ được áp theo luật để xử lý. Trong trường hợp như trên, đã có chủ thể của Tập đoàn Hòa Phát đến xác nhận là hàng giả, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho hay.

Qua xác minh của đại diện Công ty TNHH MTV Ống thép Hòa Phát Bình Dương, toàn bộ số hàng hóa nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của Hòa Phát, có giá trị khoảng 150 triệu đồng. Ngoài ra, tại hiện trường còn có hơn 12 tấn thép xây dựng các loại mang các nhãn hiệu khác. Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tương Lai Việt không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc được quản lý thị trường các địa phương phát hiện và xử lý. Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp, người dân mua phải hàng hóa kém chất lượng. Đặc biệt trong bối cảnh giá thép tăng cao như hiện nay. Tập đoàn đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái sản phẩm của tập đoàn nhằm răn đe các đối tượng có ý đồ tương tự, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng…

Theo luật sư Nguyễn Thiện Hiệp, thành viên Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả hàng nhái ở Việt Nam diễn biến rất phức tạp; trong đó có hành vi làm giả, nhái các nhãn hiệu lớn trên thị trường nhằm trục lợi bất chính, đơn cử như các mặt hàng tôn thép, mỹ phẩm, giày dép...

Điều 192 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định rõ về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; trong đó, khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 15 năm tù giam. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Cần chế tài mạnh

Theo chia sẻ của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), với mặt hàng thép, hàng nhái thương hiệu được đặt sản xuất ở những cơ sở kém chất lượng hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng và giá thấp hơn, sau đó được in nhãn mác thương hiệu các đơn vị lớn như Hòa Phát, Thép miền Nam, tôn Hoa Sen… bán trà trộn ra thị trường với giá thấp hơn.

Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, giảm sản lượng tiêu thụ, giảm thị phần, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, gây nghi ngờ cho người tiêu dùng, thiệt hại về kinh tế, thương hiệu.

Do vậy, để ngăn chặn, phòng ngừa, giảm bớt nạn hàng giả, VSA cho rằng, cơ quan quản lý cần có các cơ chế xử phạt đủ mạnh để có tính răn đe, ngăn chặn các hành vi làm hàng giả, hàng nhái.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho hay, cần thiết phải nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các địa phương, cùng các lực lượng quản lý dưới quyền tại địa phương như công an kinh tế, quản lý thị trường,... Bởi mọi hiện tượng sự việc vi phạm đều bắt nguồn từ cơ sở và cơ sở đều nắm được, điều quan trọng là có quyết tâm làm đến nơi đến chốn hay không.

Ông Hùng cũng cho rằng, đặc biệt, cần nâng cao vai trò trách nhiệm và đạo đức công vụ của các lực lượng quản lý nhà nước trên địa bàn trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa, đảm bảo lực lượng phải trong sạch vững mạnh, đảm bảo thu nhập tương đối đủ sống để họ không bỏ qua những vi phạm đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trên thị trường tại các địa phương sở tại.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Thế Bảo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam chia sẻ, về vấn đề chống hàng giả, các doanh nghiệp cũng nên ủng hộ các lực lượng thực thi trong vấn đề này.

Đức Dũng