Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ tăng sức đề kháng trong mùa dịch
Để có sức đề kháng tốt cho trẻ thì cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng, cân đối và hợp lý theo nhu cầu lứa tuổi.
Theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến (Suckhoedoisong.vn) cho biết, khi trẻ sinh ra cơ thể còn non nớt, hệ miễn dịch vẫn chưa được hoàn thiện, sức đề kháng còn kém. Để có sức đề kháng tốt cho trẻ thì cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng, cân đối và hợp lý theo nhu cầu lứa tuổi. Một chế độ dinh dưỡng tốt theo từng giai đoạn phát triển giúp tăng cường sức đề kháng như sau: Trong 6 tháng đầu nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Sau 6 tháng cho ăn bổ sung đúng độ tuổi.
Ăn bổ sung là quá trình trẻ từ từ làm quen, tiếp xúc với các thức ăn như người lớn, đồng thời bú mẹ ngày càng ít hơn, là quá trình bé chuyển dần từ thức ăn tinh (sữa mẹ) sang thức ăn thô (4 nhóm thực phẩm). Vì vậy, nguyên tắc cho trẻ ăn bổ sung là ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc. Bất kỳ một thức ăn bổ sung nào cho trẻ ăn cũng phải được bảo quản và chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bữa ăn bổ sung của trẻ, tùy theo độ tuổi phải đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu từ 4 nhóm thực phẩm: Nhóm glucid, protein, lipid, vitamin và chất khoáng. Cho ăn đủ nhu cầu, cân đối các chất dinh dưỡng giúp cho trẻ phát triển tốt, ngược lại nếu trẻ ăn thiếu hoặc dư thừa sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi, thể thừa cân béo phì. Đồng thời với chế độ ăn nhiều chất đạm, khiến hệ tiêu hóa phải làm việc mệt mỏi, dễ rối loạn tiêu hóa, gây phân sống, tiêu chảy…
Theo BS. Phan Thị Hồng Diệu, khi bắt đầu ăn bổ sung, hệ tiêu hoá của trẻ cần có thời gian để thích nghi với thức ăn mới. Nên tập ăn cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn lượng tăng dần, độ đặc tăng dần. Cho trẻ ăn thêm các bữa phụ: hoa quả, sữa chua… xen kẽ các bữa chính.
Tiếp tục cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu, với những trẻ không được bú mẹ cần cho trẻ uống thêm 500 ml-700 ml sữa/ngày (sữa công thức, sữa chua, phô mai…) tùy theo từng độ tuổi.
Bên cạnh đó, bố mẹ, người chăm sóc trẻ cần quan tâm đến việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng cho trẻ. Đó là những chất cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất, tinh thần, giúp cơ thể khỏe mạnh, chống đỡ lại bệnh tật. Đặc biệt vi chất dinh dưỡng rất quan trọng cho sự tăng trưởng cân nặng và chiều cao của trẻ.
Vitamin A giúp trẻ tăng trưởng, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và các bệnh về mắt. Lựa chọn các thực phẩm giàu vitamin A như sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua…), rau có màu xanh thẫm, các loại quả màu vàng, đỏ; lòng đỏ trứng, gan…
Vitamin D có chức năng quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Sự thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến rối loạn điều hòa phản ứng miễn dịch của con người. Vitamin D có nhiều nguồn từ thực phẩm, thuốc hoặc tổng hợp dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên cần tùy thuộc thời tiết, cường độ nắng để tắm nắng phù hợp cho trẻ. Tắm nắng trước 9h thì không đủ tia UVB để tổng hợp vitamin D, tắm nắng sau 10h lại rất nhiều tia cực tím, tăng nguy cơ mắc các bệnh về da, thậm chí là ung thư da. Vì vậy với trẻ dưới 1 tuổi, WHO khuyến nghị dùng liều dự phòng bổ sung vitamin D cho trẻ là an toàn nhất. Cụ thể là nên bổ sung vitamin D 400 IU/ ngày với trẻ dưới 1 tuổi, từ 1 tuổi trở lên có thể bổ sung 600 IU/ ngày. Ngoài ra, nguồn thực phẩm giàu vitamin D có thể kể đến: Sữa, trứng, dầu cá, phô mai, cá hồi, nấm.
Vitamin C là chìa khóa cho sự tăng trưởng và hoạt động hàng ngày của hầu hết các mô cơ thể. Vitamin C làm tăng sức đề kháng, bảo vệ sự nguyên vẹn của tế bào, là chất chống oxy hóa mạnh của cơ thể. Vì vậy, cung cấp đủ vitamin C hàng ngày là rất cần thiết. Vitamin C có nhiều trong trái cây tươi và rau xanh, bao gồm: bưởi, chanh, cam, ổi, dâu tây, kiwi, đu đủ, bông cải xanh, bông cải trắng, ớt chuông, rau ngót, rau cải…
Kẽm giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ. Thiếu kẽm trẻ dễ bị nhiễm trùng, biếng ăn, chậm phát triển chiều cao. Cần lựa chọn các thực phẩm giàu kẽm cho bữa ăn của trẻ như: Các loại hải sản, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, các loại rau mầm… Khi trẻ bị tiêu chảy cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Sắt là yếu tố quan trọng trong quá trình tạo máu, giúp trẻ tăng trưởng, phát triển và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Lựa chọn các thực phẩm giàu sắt cho bữa ăn của trẻ: thịt nạc, cá, trứng, đậu đỗ, rau có màu xanh thẫm.