Áp dụng biện pháp ngăn chặn để thu hồi tài sản tham nhũng
Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đây là việc làm cần thiết để thu hồi tài sản của đất nước đã bị đối tượng tham nhũng chiếm đoạt và cũng là để chặt đứt mục đích tham nhũng.
Để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tích cực góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
“Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng”, Chỉ thị nêu rõ.
Chỉ thị của Ban Bí thư cũng chỉ rõ, các cơ quan chức năng kịp thời áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên, phong tỏa, xử lý tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong quá trình tố tụng; kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong toả, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án.
Chỉ thị nêu rõ, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể tăng cường giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Về công tác này, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng vừa ban hành Hướng dẫn số 26/HD-VKSTC hướng dẫn một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi thực hiện kiểm sát gồm: kỹ năng kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho cơ quan thi hành án dân sự; kỹ năng kiểm sát việc thoả thuận về thi hành án; kỹ năng kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án; kỹ năng kiểm sát việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; kỹ năng kiểm sát việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án.
Thu hồi tài sản do tham nhũng mà có là công việc khó khăn, vì mục đích cuối cùng của tội phạm tham nhũng là kinh tế nên các đối tượng thường dùng nhiều mưu mô để che giấu, tẩu tán tài sản; theo kiểu “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Có nghĩa là trong tình huống phải vào tù thì vẫn giữ được khối tài sản khổng lồ mà cả gia đình vài đời vẫn đủ để ăn sung mặc sướng.
Thực tế một số vụ án tham nhũng cho thấy, số tài sản của nhân dân, đất nước bị chiếm đoạt là rất lớn. Trong các bản án, cùng với việc phải vào tù thì bị cáo còn bị buộc phải nộp lại số tiền đã chiếm đoạt. Nhưng việc thu hồi số tiền đó là khó khăn, vì nhiều khi đã được sang tên cho người khác, hoặc là biến thành kim loại quý cất giấu, hoặc có tài khoản kín ở nước ngoài.
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với tội phạm tham nhũng, không chỉ xử tù mà đối tượng đó còn phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho Nhà nước, cho xã hội. Nếu không làm tốt việc thu hồi tài sản tham nhũng thì chống tham nhũng mới thành công được một nửa. Vì thế, khi xuất hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì cần áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn như kê biên, phong tỏa tài sản từ khi đủ cơ sở khởi tố một cá nhân nào đó về hành vi tham nhũng để tránh việc đánh tháo, tẩu tán.
Theo Luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) thì trong mỗi vụ án, các cơ quan tố tụng rất cần sớm áp dụng lệnh kê biên, phong tỏa tài sản đối với các bị can liên quan đến sai phạm. Đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại khi giải quyết vụ án; đồng thời cũng để xác định nguồn gốc tài sản này có liên quan đến hành vi phạm tội của bị can trong vụ án hay không và ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản của các bị can.
Còn theo Luật sư Nguyễn Đức Anh (Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An), việc kê biên các tài sản của một số bị can đã cho tặng con cái hoặc chuyển nhượng trước khi vụ án được khởi tố là hoàn toàn hợp lý. Bởi quá trình giải quyết vụ việc, các cơ quan tố tụng sẽ xem xét toàn diện, cả về nguồn gốc tài sản, thời điểm thực hiện giao dịch (cho, tặng...) để xác định giao dịch đó có phải nhằm mục đích tẩu tán, trốn tránh nghĩa vụ hay không.
Trong nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử, con số thiệt hại của Nhà nước lên đến nghìn tỷ đồng. Đó là những con số rất đau lòng cho thấy mức độ tàn phá ghê gớm của tội phạm tham nhũng. Những “núi tiền” đó không thể tự biến mất, mà nó đã được “chia nhỏ” ra, biến thành nhà cửa, xe cộ, đất đai dưới tên người khác và ẩn mình trong những tài khoản ngầm. Vì thế khi bản án đã tuyên, số tiền thu hồi không nhiều. Do đó, rất cần phong tỏa tài khoản, tài sản của đối tượng ngay khi bắt đầu tiến hành tố tụng. Đây được coi là biện pháp cần thiết để thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; chặt đứt mục đích của tham nhũng.