Ấn Độ chuẩn bị đối phó ‘làn sóng thứ ba’
Sau 1 năm rưỡi chiến đấu với đại dịch Covid-19, thế giới đã thích nghi và dần chủ động hơn trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh. Tăng cường, củng cố hệ thống y tế dự phòng, nghiên cứu phát triển vaccine và đặc biệt, sự chia sẻ giữa các nước chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế.
Lên kế hoạch ứng phó
Trên cơ sở tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, báo cáo SBI Ecowrap ước tính rằng cường độ của làn sóng lây nhiễm thứ ba tại Ấn Độ sẽ không khác nhiều so với làn sóng thứ hai. Tuy nhiên, số ca tử vòng vì Covid-19 có thể được giảm thiểu nhờ chuẩn bị cơ sở vật chất về y tế tốt hơn.
Vì vậy, trong bối cảnh Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 trong một ngày cao nhất trên thế giới, với 6.148 ca, hôm 11/6, dù chưa kết thúc chu kỳ lây nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai nhưng Ấn Độ đã lên kế hoạch chuẩn bị đối phó với đợt dịch Covid-19 mới.
Bắt đầu từ ngày 21/6, chính phủ Ấn Độ sẽ chịu trách nhiệm mua 75% nguồn cung vaccine, phần còn lại dành cho khu vực tư nhân. Tất cả những người trưởng thành làm việc trong các cơ quan của chính phủ sẽ được tiêm phòng miễn phí.
Theo các chuyên gia y tế, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là điều rất quan trọng đối với Ấn Độ. Bác sĩ Lancelot Pinto thuộc Bệnh viện Hinduja tại Mumbai cho biết: “Tiêm chủng nhanh chóng đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến thể mới. Virus này sẽ tự biến đổi và lây lan giữa những người không được tiêm phòng. Chúng tôi không muốn rơi vào tình huống luôn bị tụt lại phía sau sự phát triển của virus”.
Nhà dịch tễ học Babu cho biết, mục tiêu của Ấn Độ là tiêm phòng đầy đủ cho tất cả những người dễ bị tổn thương, hoặc những người có bệnh lý nền và cố gắng tiêm ít nhất một liều cho tất cả những người trưởng thành. Để đạt được mục tiêu này, Ấn Độ cần 10 triệu liều vaccine mỗi ngày. Đây là một thách thức lớn khi hiện tại nước này mới chỉ phân phối được khoảng 3 triệu liều mỗi ngày.
Sự bất bình đẳng trong việc tiêm chủng đã xuất hiện trong thời gian gần đây. Trong khi người giàu có thể mua được vaccine tại các bệnh viện tư nhân thì người nghèo phải nỗ lực rất nhiều để đủ tiền chi trả cho việc tiêm phòng hoặc xếp hàng dài để đặt lịch. Còn tại các khu vực nông thôn, tâm lý e ngại tiêm phòng hoặc sự thiếu nhận thức về hiệu quả của vaccine cũng đang tạo ra rào cản lớn.
Chính quyền các bang tại Ấn Độ cũng đang lên những kế hoạch riêng nhằm chuẩn bị với khả năng xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ 3 trong những tháng tới.
Bang New Maharashtra đã thành lập các lực lượng đặc nhiệm nhi khoa, vì trong làn sóng thứ hai, các bác sỹ cho biết có nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi bị mắc bệnh nặng hơn so với làn sóng thứ nhất.
Thủ đô New Dehli cũng đang lên kế hoạch ứng phó khả năng số ca mắc gia tăng đỉnh điểm 37.000 ca trong một ngày. Hiện, New Dehli đã xây dựng hàng chục nhà máy sản xuất oxy nhỏ và gia tăng công suất dự trữ oxy.
Ông Arvind Kejriwal, thủ hiến New Delhi cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là phải chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp làn sóng thứ ba trở nên cực kỳ nguy hiểm”.
Cộng đồng quốc tế tiếp sức
Sau cam kết chia sẻ cho thế giới 80 triệu liều vaccine AstraZeneca trong tháng này, tiết lộ với báo giới hôm 11/6, một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục tài trợ 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech cho 100 quốc gia có thu nhập thấp nhất trên thế giới.
Theo nguồn tin, Mỹ không tìm kiếm ưu đãi từ các quốc gia này để đổi lấy số vaccine trên. Hiện phía Mỹ đã trả cho hãng dược Pfizer/BioNTech 3,5 tỷ USD để mua vaccine và hợp đồng này sẽ được hoàn tất trong vài tuần tới.
Khoảng 200 triệu liều dự kiến được giao trước khi hết năm nay, số còn lại sẽ được chuyển trong nửa đầu năm 2022. Nhà Trắng cho biết 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ được nhận số vaccine trên. Tập đoàn dược phẩm Pfizer cũng xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chính phủ Mỹ.
Động thái diễn ra trong bối cảnh Mỹ đối mặt áp lực hành động nhiều hơn để giải quyết tình trạng thiếu vaccine toàn cầu, khi các nước giàu có mua hết phần lớn nguồn cung vaccine từ sớm. Nhà Trắng tuần trước công bố kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều vaccine, trong đó 19 triệu liều qua cơ chế Covax và 6 triệu liều chuyển trực tiếp cho các nước đang đối mặt đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng.
Ngay sau tuyên bố của Nhà Trắng, Văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết “Tại hội nghị thượng đỉnh G7, các lãnh đạo thế giới dự kiến thông báo họ sẽ cung cấp ít nhất một tỷ liều vaccine Covid-19 cho thế giới và đặt ra kế hoạch mở rộng sản xuất vaccine để đạt mục tiêu đó” vào năm 2023. Trong đó, Anh sẽ tài trợ ít nhất 100 triệu liều vaccine dư thừa trong năm tới, gồm 5 triệu liều bắt đầu trong những tuần tới.
“Nhờ thành công trong chương trình vaccine của Anh, chúng tôi có thể chia sẻ một số liều lượng dư thừa với những người cần. Tại hội nghị thượng đỉnh G7, tôi hy vọng các lãnh đạo cũng sẽ đưa ra cam kết tương tự”, Thủ tướng Johnson nói.
Trong khi đó, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý tài trợ ít nhất 100 triệu liều vào cuối năm 2021, với Pháp và Đức mỗi nước cam kết cung cấp 30 triệu liều. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các nhóm dược phẩm sản xuất vaccine quyên góp 10% sản lượng cho các quốc gia nghèo.
Cùng với đó, mọi nỗ lực cung cấp vaccine cho các nước Đông Nam Á cũng được đẩy mạnh để ngăn chặn đà lây lan. Trước thông tin về khả năng chậm tiến độ giao vaccine từ nhà máy sản xuất Siam Bioscience của Thái Lan, AstraZeneca thông báo, đang hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á nhằm đảm bảo việc cung cấp “càng sớm, càng tốt” vaccine ngừa Covid-19 của hãng này.
Tuyên bố của AstraZeneca khẳng định việc phân phối vaccine đến các nước Đông Nam Á sẽ diễn ra trong những tuần tới. Hiện hãng đang hợp tác chặt chẽ với các chính phủ liên quan nhằm cung cấp vaccine càng sớm càng tốt.
Trong bối cảnh các nước châu Âu đang rục rịch mở cửa để đón khách du lịch, ngày 11/6, ông Hans Henri Kluge - Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu đưa ra cảnh báo: Biến chủng Delta có khả năng lây lan mạnh hơn và thậm chí có thể “né” miễn dịch trong một số trường hợp, sẽ còn đe dọa khu vực khi nhiều người thuộc nhóm dân số trên 60 tuổi dễ tổn thương vẫn chưa được bảo vệ... Chúng ta nên ghi nhận những thành tựu đã đạt được ở hầu hết các nước trong khu vực nhưng cũng phải thừa nhận chúng ta chưa thoát khỏi vùng nguy hiểm.