Khơi dậy sức mạnh cộng đồng
Từ nhiều năm nay Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Hải Dương đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Trong đó, Mặt trận ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc vận động, đoàn kết tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Để làm được điều này thì mỗi cán bộ Mặt trận ở cơ sở đã nêu cao vai trò chính trị, nâng cao năng lực, kiến thức về mọi mặt và gắn bó mật thiết với nhân dân.
Tuyên truyền đến từng hộ gia đình
Xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà được biết đến làm điểm sáng của tỉnh trong phong trào thực hiện nếp sống mới trong việc tang. Các đám tang ở xã Thanh Hải gần đây không còn cảnh chào mời khách ở lại ăn cơm, nhạc tang không mở âm lượng quá lớn, chỉ được mở sau 6 giờ sáng và tắt trước 22 giờ đêm. Đặc biệt, việc bốc mộ cho người mất ở đây chỉ được thực hiện trong 3 ngày của năm. Những việc làm này tưởng rằng rất khó thực hiện nhưng với sự quyết tâm đeo bám cơ sở của cán bộ Mặt trận nên người dân đã dần thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Bà Nguyễn Thị Điều, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Hải cho biết, khi thực hiện quy ước này, địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn do người dân đã quen với phong tục, tập quán cũ. Một số gia đình tuy muốn thay đổi nhưng vẫn e dè và ngại dư luận. Để tháo gỡ rào cản, MTTQ xã và Ban Công tác Mặt trận ở các thôn đã thành lập tổ giám sát; tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như thông qua hội họp, phát trên hệ thống loa truyền thanh… Thậm chí, nếu trong thôn có người qua đời, cán bộ Mặt trận đến cùng gia đình bàn bạc cách thức tổ chức…
“Chúng tôi xây dựng kế hoạch xuống tận thôn, xóm và thường xuyên tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Những ngày đầu thực hiện rất khó khăn, thậm chí chúng tôi còn bế tắc vì gặp phải sự phản đối của không ít người. Trong đó, số người phản đối nhiều nhất là những vị cao niên có tuổi trong làng, trong xã vì việc này liên quan đến vấn đề tâm linh. Tuy nhiên, những khó khăn đó không khuất phục được những người làm Mặt trận. Mưa dầm thấm lâu, thế rồi các cụ cũng hiểu ra vấn đề và dần thay đổi suy nghĩ” - bà Điều tâm sự.
Cũng giống như xã Thanh Hải, những năm qua Ban Công tác Mặt trận ở xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang hoạt động hiệu quả, góp phần cùng với Đảng bộ thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nét nổi bật trong công tác Mặt trận ở Vĩnh Hồng thời gian qua chính là công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Để làm được điều này, MTTQ xã Vĩnh Hồng và các Ban Công tác Mặt trận ở các thôn đã tổ chức họp và cùng với nhân dân thảo luận, bàn bạc, đóng góp ý kiến vào dự thảo các đề án, quy hoạch xây dựng NTM. Thông qua các cuộc họp với những hình thức vận động khác nhau, bà con nhân dân trong xã đã tự nguyện hiến đất, hiến ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng, phúc lợi công cộng, làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, xây dựng khu vui chơi thể thao, nhà văn hóa ở các khu dân cư.
Ông Bùi Xuân Duyệt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Hồng cho biết, trong thời gian qua MTTQ xã đã làm tốt vai trò cầu nối trong tuyên truyền, vận động nhân dân hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM. Qua quá trình thực hiện, MTTQ đã vận động nhân dân đóng góp tiền làm đường được 4 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường, nhà văn hóa. Nhờ đó, bộ mặt của địa phương ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều MTTQ cấp cơ sở đã phát huy tốt vai trò của mình trong vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM. Trong thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động, những hoạt động của MTTQ cấp cơ sở đã góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra.
Phát huy vai trò của Mặt trận cơ sở
Trong số nhiều đơn vị cấp huyện thì huyện Gia Lộc là địa phương được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương đánh giá cao trong việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở. Có được kết quả đó là do MTTQ huyện Gia Lộc đã thường xuyên quan tâm, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận, thường xuyên kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ theo hướng nâng cao trách nhiệm, năng lực hoạt động. Các địa phương cũng đã duy trì giao ban giữa lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền với đội ngũ cán bộ Mặt trận để kịp thời trao đổi thông tin hai chiều. Chính đội ngũ này đã và đang là những nhân tố tích cực xây dựng phong trào một cách thường xuyên, trực tiếp để tuyên truyền tới từng người, từng hộ gia đình.
Đánh giá về vai trò của đội ngũ cán bộ MTTQ cơ sở trên địa bàn huyện, bà Phạm Thị Thu, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lộc cho biết, từ nhiều năm nay cán bộ Mặt trận cơ sở đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân để thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận và địa phương phát động. Bên cạnh đó, để nâng cao đội ngũ cán bộ ở cơ sở, MTTQ huyện cũng thường phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng và triển khai đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này.
Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương có 235 xã, phường, thị trấn và 1.343 Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở, MTTQ tỉnh và các huyện, thị đã có nhiều giải pháp quan trọng, trong đó chú trọng kiện toàn, bố trí lại đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở nhất là khi tỉnh Hải Dương tổ chức sáp nhập, chia tách khu dân cư và xã, phường, thị trấn. Do đó, công tác bồi dưỡng, đào tạo đã được cán bộ Mặt trận các cấp quan tâm, từng bước gắn với quy hoạch cán bộ. Hàng năm đã có 100% Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp cơ sở được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ và chuyên đề để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận.
Ông Nguyễn Đình Xiển, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương cho biết, MTTQ các huyện, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng với các đối tượng như Ủy viên Ủy ban MTTQ cấp cơ sở, cán bộ Ban Công tác Mặt trận cấp thôn, khu dân cư; trưởng phó Ban Thanh tra nhân dân.
“Trong quá trình tập huấn, chúng tôi chú trọng bồi dưỡng những kỹ năng cần thiết, những kiến thức cơ bản, thiết thực; tập trung thông tin những điểm mới về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, chúng tôi tạo điều kiện cho cán bộ MTTQ cấp cơ sở giao lưu, học hỏi lẫn nhau thông qua những mô hình điển hình tiên tiến. Chúng tôi coi đó là giải pháp rất quan trọng và lâu dài để bồi dưỡng cán bộ” - ông Xiển nói.