Sử dụng sai quỹ đất: Nhiều khu công nghiệp bị ‘tuýt còi’
Tại nhiều khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh dù quỹ đất còn nhiều nhưng lại để lãng phí, hoang hóa; có nơi sử dụng sai mục đích thu lợi bất hợp pháp…
Nhiều nơi sử dụng sai mục đích
KCN Vĩnh Lộc (quậ Bình Tân) dù triển khai công tác giải phóng mặt bằng từ hơn 20 năm qua nhưng đến nay vẫn rất chậm chạp, chưa xây dựng xong phần hạ tầng. Kèm theo đó, không ít chủ đầu tư sử dụng một số khu đất không đúng mục đích so với quy hoạch được duyệt.
Vừa qua, qua thanh tra (Kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP), Thanh tra Chính phủ đã phát hiện tình trạng lãng phí đất đai cùng nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường tại KCN này.
Có trường hợp như chủ đầu tư dùng một phần đất kho tàng cho Công ty thuốc lá Bến Thành thuê xây dựng nhà máy sản xuất, sử dụng đất cây xanh xây dựng nhà máy xử lý nước thải, văn phòng, đất bãi đậu xe xây dựng cây xăng, ki ốt cho thuê. Cũng tại KCN này, cơ quan thanh tra còn phát hiện Công ty Hoàng Quỳnh xây dựng nhà máy bia công suất 100 triệu lít/năm trên diện tích 1,5ha nhưng không có giấy phép xây dựng.
Tại KCN Tân Bình (mở rộng) cơ quan thanh tra phát hiện quá trình sử dụng phần diện tích nhiều hec-ta theo quy hoạch là đất công nghiệp, nhưng đem xây dựng kho bãi cho thuê. Chưa kể có lô đất diện tích 2,3 hec-ta là đất trung tâm điều hành, dịch vụ công cộng nhưng đã bị sử dụng làm cây xăng, kho bãi cho thuê, đất cây xanh xây dựng sân tennis...chưa đúng mục đích, phá vỡ quy hoạch của KCN này.
Không chỉ sử dụng sai mục đích, qua thanh tra phát hiện nhiều doanh nghiệp thuê đất trong các KCN nhưng không đưa vào khai thác, sử dụng, dẫn đến lãng phí hàng chục ha đất quy hoạch KCN. Tại Kết luận thanh tra (số 757/KL-TTCP) được công bố mới đây đã nêu đích danh các doanh nghiệp, như CTCP Hùng Vương có 41.767 m2 tại KCN Hiệp Phước; Công ty CP Đầu tư Việt Nam để lãng phí 7.273 m2 tại KCN Lê Minh Xuân; Công ty TNHH Nga Băng Cốc còn 4.000 m2 chưa đưa vào khai thác, sử dụng tại KCN Tân Bình. Đáng chú ý, công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn còn đến 250.000 m2 tại KCN Tây Bắc Củ Chi để lãng phí.
Qua thanh tra, Công ty TM Củ Chi và Công ty CP SABECO tại KCN Tây Bắc Củ Chi còn bị phát hiện đã ký hợp đồng thuê 50 hec-ta tại đây để xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất bia với thời hạn 43 năm. Dù vậy, đến thời điểm thanh tra, SABECO mới đầu tư và sử dụng khoảng 26 hec-ta và còn gần 50% đất chưa đưa vào sử dụng trong suốt 9 năm qua, gây lãng phí đất và tiền thuê đất đã thanh toán khoảng 18 tỷ đồng.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại KCN tập trung Tân Tạo (ITACO, huyện Bình Chánh), cơ quan thanh tra đã phát hiện Ban Quản lý KCN đã cho phép ITACO điều chỉnh quy hoạch không đúng thẩm quyền, dẫn đến các đơn vị thuê, chuyển nhượng lại, hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, với tổng diện tích lên đến 106.190 m2, thu lợi 107 tỷ 672 triệu đồng. Ngoài ra, ITACO còn tự chia tách một số khu đất đã quy hoạch, để cho các doanh nghiệp thuê lại, hoặc tự đầu tư sử dụng vào mục đích khác, với tổng diện tích lên đến 10.446m2 thu lợi hơn 9,5 tỷ đồng.
Gỡ vướng từng bước, tránh thất thoát
Với nhiều bất cập, sai phạm, mới đây Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP HCM nhanh chóng có giải pháp cụ thể để khắc phục. Đối với các trường hợp nêu trong kết luận thanh tra, cần truy thu tiền sử dụng đất, thu hồi các khoảng thu không hợp pháp từ việc vi phạm pháp luật, yêu cầu chủ đầu tư triệt để khắc phục các sai phạm, nhất là sai phạm liên quan đến sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình không đúng quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, gây gây thất thoát, thiệt hại tài sản cho nhà nước.
Tại cuộc họp về tình hình hoạt động của các KCN, KCX và những khó khăn, vướng mắc vào tháng 5/2021, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã giao UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp cùng Sở TNMT tiến rà soát, phối hợp với chủ đầu tư các KCN, KCX có phương án tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư, tránh để tồn đọng, lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích.
Sở TNMT thành phố cũng đã có ý kiến về các bất cập tại KCN Lê Minh Xuân, trong đó kiến nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với công tác quản lý xây dựng tại KCN này từ năm 2011 đến nay để có phương án xử lý phù hợp. Trước đó, các phản ánh nêu trường hợp có doanh nghiệp xây dựng lậu dày đặc hàng trăm căn nhà, từ đó dẫn tới “đội” số tiền bồi thường, hỗ trợ dự kiến lên cao.
Tình trạng tại KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), với hơn 30 ha chưa bàn giao mặt bằng do nguyên nhân chủ yếu về vướng mắc người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng (13 hộ). Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang đề nghị giữ lại đất (khoảng hơn 16 ha) để phục vụ mở rộng cơ sở sản xuất.
Đối với 13 doanh nghiệp có ngành nghề hoạt động không phù hợp hoặc gây ô nhiễm môi trường hiện nay cũng đang được Sở TNMT TP HCM hướng dẫn giải pháp vận động chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Trước đó, giải pháp này cũng đã được áp dụng với 48 doanh nghiệp đã hoạt động tại KCN Tân Phú Trung trước khi thực hiện dự án.
Trong lúc TP HCM đang chuẩn bị các điều kiện về đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực để đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng với các bất cập, lãng phí nêu trên đang khiến chính chủ trương, chính sách lớn của thành phố lại gặp khó khăn, cần sớm được khắc phục.