Thôn Ea Rớt sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ
Ea Rớt, xã Cư Pui (Krông Bông- Đắk Lắk) là thôn đồng bào Mông di cư mới được đưa vào vùng dự án từ năm 2018.
Thôn có 171 hộ, 946 khẩu, cuộc sống của người dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn với gần 100% hộ trong diện nghèo và cận nghèo. Thôn Ea Rớt hiện vẫn trong tình trạng khó khăn.
Trong những năm qua, nhiều tổ chức và các mạnh thuờng quân đã đến thăm, tặng quà, hỗ trợ một số nguồn vốn, xây dựng công trình dân sinh, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế- xã hội. Nhiều hộ nghèo ở đây đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn và các công trình dân sinh được các tổ chức thiện nguyện và mạnh thường quân tài trợ.
Do thôn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có nước sạch sinh hoạt nên vào tháng 7 năm 2017, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tặng cho người dân thôn Ea Rớt hệ thống cung cấp điện năng lượng mặt trời, công suất 6,24 kWp và hệ thống lọc nước tinh khiết RO sử dụng năng lượng mặt trời, tổng trị giá 500 triệu đồng.
Từ khi bàn giao đưa vào sử dụng, hai hệ thống này đã được người dân vận hành, bảo quản rất tốt, giúp cho nhiều hộ dân ở đây có điện thắp sáng và nước uống tinh khiết sử dụng hàng ngày. Mỗi kWh điện người dân nộp 2 ngàn đồng; mỗi bình nước 20 lít nộp 7 nghìn đồng. Số tiền này thu sung vào quỹ của thôn để lấy kinh phí duy tu, bảo dưỡng và mua phụ kiện thay thế hệ thống điện năng lượng và hệ thống lọc nước.
Ông Thào Trương Lèng, trưởng ban công tác Mặt trận thôn Ea Rớt được người dân trong thôn tin tưởng, giao nhiệm vụ vận hành, bảo quản, cung cấp nước và thu phí nước hàng ngày, thu tiền điện hàng tháng.
Ông Lèng cho hay: “Khi thôn được tặng hệ thống điện và hệ thống lọc nước ai cũng vui. Trong thôn hiện có 23 hộ ở gần hệ thống điện năng lượng đăng ký sử dụng điện năng lượng. Còn nước lọc thì hầu hết các hộ gia đình đều dùng. Số tiền thu được hàng tháng, thôn trích một phần trả công cho người vận hành bảo quản, còn lại sung vào công quỹ của thôn để lấy kinh phí thường xuyên tu sửa, bảo dưỡng hệ thống”.
Hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ mà các hộ nghèo ở Ea Rớt sử dụng mang lại thấy rõ nhất là “Ngân hàng bò” do 2 nhóm thiện nguyện ở Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng bò giống cho các hộ nghèo trong thôn. Từ đầu năm 2018 đến nay, 2 nhóm thiện nguyện đã hỗ trợ cho bà con 26 con bò cái làm giống.
Những con bò giống này được người dân trong thôn bầu chọn, giao cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất nuôi trước. Sau khi bò mẹ đẻ, nuôi con được 5 tháng thì bò mẹ sẽ được luân chuyển cho hộ khác nuôi, bò con sẽ là quyền sở hữu của hộ đó.
Khi hộ gia đình nào nhận bò đều kí vào bản cam kết với ban tự quản thôn: Phải thực hiện nghiêm túc việc chăm sóc tốt, không tự ý bán con giống ban đầu được giao, khi bò bị ốm phải báo với ban tự quản... Những con bò sau khi được giao về cho các hộ, đa số các gia đình đều chăm sóc tốt. Chỉ trong vòng 3 năm, đến nay đàn bò do 2 nhóm thiện nguyện hỗ trợ cho bà con thôn Ea Rớt đã lên đến 63 con. Có những con bò mẹ đã luân chuyển đến gia đình thứ tư.
Gia đình chị Dương Thị Chư (đội 3) là hộ nghèo mới được nhận 1 con bò giống vào cuối năm 2020. Hiện bò mẹ đã sinh ra 1 con bê lai được hơn 3 tháng tuổi và đang phát triển rất tốt. Còn gia đình ông Giàng Seo Chúng (đội 2) từ cặp bò mẹ con được nhóm thiện nguyện giao vào đầu năm 2018. Sau 1 năm gia đình ông đã trả lại bò mẹ và hiện có 3 con gồm 1 bò mẹ và 2 bò con, trong khi bò mẹ lại có bầu 2 tháng.
Ông Chúng chia sẻ: “Gia đình có 5 đứa con và thuộc hộ nghèo. Nhờ có con bò giống của nhóm từ thiện tặng mà gia đình đã có một nguồn vốn đáng kể để phát triển kinh tế. Năm 2020 gia đình bán đi 1 con bê được 9,5 triệu đồng để mua ống dây tưới và phân bón chăm sóc cho 2000 cây cà phê. Gia đình dự định đến cuối năm sẽ bán con bê để mua thêm phân bón và sửa lại căn nhà”.
Trong khi nhiều hộ dân vẫn còn lãng phí, sử dụng không hiệu quả nguồn hỗ trợ từ các Dự án của Nhà nước để phát triển kinh tế- xã hội thì người dân Ea Rớt đã phát huy được nguồn hỗ trợ của các tổ chức, mạnh thường quân.
Bí thư Đảng ủy Cư Pui vui mừng tâm sự: “Người dân thôn Ea Rớt còn gặp rất nhiều khó khăn vì thôn mới được đưa vào vùng dự án, chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng. Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã kết nối với hàng chục tổ chức, cá nhân đến thăm và hỗ trợ nhiều phần quà thiết thực, nhằm chia sẻ với người dân nghèo ở đây. Điều đáng mừng là nhiều hộ nghèo trong thôn khi tiếp nhận sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm đã rất trân trọng và sử dụng mang lại hiệu quả”.