Người Dao với nghề làm giấy bản
Tại thôn Thanh Sơn (trị trấn Việt Quang, Bắc Quang, Hà Giang) có 100% số hộ là người dân tộc Dao, thuộc nhóm Dao đỏ hay còn gọi là Dao đại bản.
Trong đó trên 90% số hộ tham gia làm nghề sản xuất giấy bản truyền thống, phục vụ nhu cầu tâm linh và văn hóa trong các dịp lễ hội. Nhu cầu dùng giấy bản cho hoạt động văn hóa tâm linh rất lớn nên bà con ở đây sản xuất liên tục.
Những người già ở Thanh Sơn cho biết, nghề làm giấy bản của người Dao bản địa đã có từ những năm 1920. Khi đó, ông Triệu Dùn Phin, một người Dao ở Thanh Sơn đã học được nghề làm giấy và truyền cho con cháu trong dòng họ Triệu. Đến năm 1925, nghề bắt đầu phát triển mạnh. Cho đến nay, nghề làm giấy bản đã chẵn 100 năm, được duy trì theo hình thức cha truyền con nối.
Giấy bản được hình thành từ nguyên liệu chính là cây vầu non và dây leo tạo keo liên kết, sử dụng vôi để ngâm ủ nguyên liệu, sử dụng nước tự nhiên để tráng.
Cứ vào dịp tháng 2 âm lịch, khi những cây vầu non bắt đầu ra lá cũng là lúc các hộ dân lên rừng chặt vầu. Có nhà còn huy động cả chục người lên rừng cố chặt được càng nhiều vầu non càng tốt, nếu chặt chậm vầu già đi sẽ không thể làm được giấy.
Mỗi đoạn vầu được chia ra từng đoạn dài khoảng 1m, chẻ thành 4 miếng rồi bó lại ngâm với nước vôi. Vầu phải ngâm nước vôi ít nhất là 2 tháng mới được vớt ra ngâm trong nước sạch khoảng 30 ngày là sẽ mềm nhũn như sợi bún.
Theo cung cách làm giấy bản truyền thống của Thanh Sơn, vầu sau khi ngâm ủ sẽ được cho vào những cái bể có hình lòng máng dài khoảng 2m, rộng 1m và dùng chân nhồi, vò cho đến khi thành bột. Cách nhồi này cũng khá vất vả, vì thường phải làm liên tục khoảng gần hai ngày. Nhồi vầu xong, thợ giấy phải lên rừng chặt cây bo về ngâm khoảng nửa tháng để nhựa bo hòa tan trong nước. Nước ấy khoắng với bột vầu rồi mới cho vào khuôn.
Bột giấy được xếp gọn lên nhau rồi được ép khô trong khoảng hai giờ. Khi giấy khô thì mang dán lên tường, và cứ thế giấy sẽ hoàn thiện, được xếp thành các tệp đợi ngày đem ra chợ bán.
Theo kinh nghiệm của đồng bào Dao, khi làm giấy người thợ sẽ xếp thành từng bục. Mỗi bục chỉ được phép làm 80 thếp giấy chứ không được làm hơn hoặc kém. Những người già giải thích rằng, con số 80 có liên hệ đến sự may rủi trong quan niệm tâm linh của bà con dân tộc Dao từ xa xưa.
Nghề làm giấy bản truyền thống ở Thanh Sơn không phụ thuộc quá vào thời tiết. Do đó những lúc nông nhàn, thợ giấy mới tranh thủ sản xuất. Tuy là nghề phụ nhưng thu nhập lại khá cao, và còn lưu giữ được nghề truyền thống của cha ông nên những thợ giấy ở Thanh Sơn rất tự hào.
Theo UBND thị trấn Việt Quang, để bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất giấy bản truyền thống của dân tộc Dao. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng khoa học công nghệ huyện Bắc Quang, Sở KH&CN Hà Giang đã đưa dự án bảo tồn và phát triển nghề sản xuất giấy bản truyền thống của dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn vào chương trình đề tài, dự án cấp huyện.
Mục tiêu của dự án là hỗ trợ nhân dân ứng dụng cơ khí hóa vào sản xuất, phát triển bền vững làng nghề truyền thống; hỗ trợ các hộ sản xuất ứng dụng đưa máy công cụ cải tiến nhằm tăng năng suất, giải phóng một phần sức lao động của con người.
Đồng thời, các nghệ nhân cũng được tập huấn, chuyển giao ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho các hộ sản xuất; định hướng phát triển bền vững làng nghề truyền thống, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Tuy nhiên, quy trình chế biến nguyên liệu, phương pháp tráng và bể tráng giấy thì vẫn được bà con thực hiện theo phương pháp truyền thống hàng trăm năm nay.
Để gìn giữ bí quyết cũng như bảo tồn nghề truyền thống, người Dao ở Thanh Sơn chỉ truyền nghề cho con trai, hoặc cho con trưởng và cháu đích tôn. Người học nghề phải ứng xử theo đạo lý và những quy tắc nhất định của người Dao…