Làm thế nào để bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong mùa dịch?

An Chi 14/06/2021 19:13

Mùa hè năm nay, không ít bậc phụ huynh đang lo lắng, trăn trở làm sao để con trẻ có những ngày nghỉ hè an toàn, bổ ích trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó với tác động của đại dịch tới trẻ em và tích cực phòng chống tai nạn, thương tích, đặc biệt tai nạn đuối nước trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, giải pháp cụ thể.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang tích cực triển khai kịp thời, quyết liệt các giải pháp để bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giảm tối đa lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 và bị tổn hại do tai nạn, thương tích, ngày 1/6/2021.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã gửi Công điện số 04/CĐ-LĐTBXH tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trong mùa hè.

Công điện nêu rõ, hiện nay dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Ở một số địa phương, nhiều trẻ em bị nhiễm Covid-19 và phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, mỗi khi mùa hè đến, số trẻ em bị tai nạn, thương tích, đặc biệt bị tử vong do đuối nước lại tăng cao.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang tích cực triển khai kịp thời, quyết liệt các giải pháp để bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giảm tối đa lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 và bị tổn hại do tai nạn, thương tích.

Đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học, Phó Chủ tịch Hội Đồng đội tỉnh Hà Giang, cho biết: Kỳ nghỉ hè đã đến, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Đội trong toàn tỉnh phối hợp với với các cấp, ngành tổ chức tuyền truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào và các em thiếu nhi về cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: Tuyên truyền cho các bậc phụ huynh, học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người; thành lập các đội thanh niên tình nguyện tại chỗ cùng với các thầy, cô giáo và học sinh vệ sinh khử trùng trường, lớp; vận động nguồn lực hỗ trợ phát nước rửa tay, khẩu trang y tế miễn phí.

Hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em, Hội Đồng đội tỉnh đề nghị Hội đồng Đội các huyện, thành phố triển khai thực hiện chiến dịch truyền thông với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, thể hiện rõ vai trò của tổ chức Đoàn trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, tạo cho các em những ngày hè vui tươi, an toàn, bổ ích.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng tích cực tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh và phòng, chống đuối nước trẻ em.

Quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương, trên hệ thống truyền thanh xã, phường, nhân bản, phân phát đến từng cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung, địa bàn cách ly, giãn cách xã hội, hộ gia đình, cộng đồng dân cư và trẻ em các tài liệu, sản phẩm truyền thông do Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và một số tổ chức quốc tế hướng dẫn, ban hành. Kịp thời thông tin, thông báo đến Tổng đài Điện thoại Quốc gia Bảo vệ trẻ em (số 111) các vấn đề, vụ việc, nhu cầu trẻ em cần hỗ trợ.

UBND các cấp chủ trì, phối hợp với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục thực hiện việc phân công bàn giao, quản lý, giám sát trẻ em trong thời gian nghỉ hè hoặc không đến trường do thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình và cộng đồng.

Xây dựng kế hoạch, phối hợp và phân công cụ thể cho các ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức, cộng tác viên, tình nguyện viên triển khai việc rà soát các hộ gia đình, các vị trí mặt nước, hồ, ao, sông, suối, công trình công cộng, công trình xây dựng để phát hiện kịp thời các nguy cơ đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác; thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở, bảo đảm môi trường sống an toàn cho mọi trẻ em. Tổ chức vận động các hộ gia đình cam kết trách nhiệm xây dựng ngôi nhà an toàn, thường xuyên quan tâm trông giữ, giám sát, bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo viên và hướng dẫn viên dạy bơi; vận động các gia đình chủ động đưa trẻ em đi học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại địa phương để tổ chức các lớp dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.

Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em. Chỉ đạo xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các vụ việc tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước gây tử vong trẻ em.

An Chi