Hàng không Việt Nam: Tháo gỡ khó khăn thay vì cấp phép hãng mới
Thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) muốn tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước, quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho các hãng bay Việt Nam đang hoạt động thay vì cấp phép các hãng bay mới.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường vừa thông tin, cơ quan này đã nhận được công văn về việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPPP Air Cargo.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, căn cứ Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa không nằm trong danh mục các dự án cần phải phê duyệt chủ trương đầu tư của các cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, theo Nghị định số 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92 của Chính phủ về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, IPP Air Cargo phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Để có cơ sở trả lời IPP Air Cargo, Cục Hàng không Việt Nam xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT về việc hướng dẫn xây dựng và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo.
Tuy vậy, tại công văn số 4620 14/5/2020, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị của Bộ GTVT về việc “thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)”.
Lý giải về kiến nghị ngừng xem xét thành lập thêm các hãng hàng không tới năm 2022, Bộ GTVT cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam năm nay ước đạt 42,7 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019 và bằng 50% dự báo trước đó. Trong đó, các hãng bay trong nước vận chuyển 32,6 triệu khách, giảm hơn 40% so với năm ngoái vì đại dịch.
Để thị trường phục hồi trở lại như thời điểm trước dịch, theo kịch bản lạc quan nhất, Bộ GTVT ước tính cần 2 năm. Do đó trước mắt cơ quan này muốn tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước, quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho các hãng bay Việt Nam đang hoạt động.
“Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022) nhằm đảm bảo quản lý Nhà nước về hàng không phát triển bền vững trong tình hình mới”- theo Bộ GTVT.
Với góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, cần tính đến phương án tạm thời chưa cấp phép cho ra đời hãng hàng không trong vài năm tới. Bởi tình hình hiện nay rất bất lợi và dễ gây chết yểu cho các hãng hàng không mới khi “miếng bánh” thị phần đã thu hẹp rất nhiều, chi phí tăng cao trong khi năng lực của các chủ dự án hãng hàng không đã bị suy kiệt bởi dịch bệnh Covid-19.
Mặt khác, do khủng hoảng thu nhập, nên nhu cầu đi lại của người dân bằng đường hàng không cũng không thể bằng trước. Về dài hạn, hàng không thế giới được dự báo rất chậm phục hồi. Do đó cần cân nhắc việc cấp phép cho các hãng bay trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Ở góc nhìn khác, với việc hãng hàng không IPP Air Cargo khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa xin cấp phép, nhiều chuyên gia hàng không lại cho rằng, các máy bay thương mại được tận dụng để vận chuyển hàng hóa khó hiệu quả về lâu dài. Bởi lẽ, việc chở hàng dưới khoang bụng thì khối lượng không lớn, chỉ từ 2-10 tấn, trong khi việc bỏ bớt ghế trên khoang hành khách để chở hàng chỉ phù hợp với bối cảnh cõng hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác chống dịch, hàng viện trợ...
Bên cạnh đó, hệ thống logistics của Việt Nam chưa phát triển, chi phí vận chuyển hàng hóa cao, chỉ có 2 cảng hàng không có trung tâm kho hàng hóa quốc tế lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài nên đã đánh mất nhiều cơ hội về cạnh tranh thị phần. Do đó, để vận tải hàng hóa hàng không phát triển, các hãng cần có đội bay cargo chuyên dụng và xây dựng được mạng lưới logistics hàng không đủ lớn, trải đều ở các vùng miền.
Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động. Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ 2 sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. Ngoài ra, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.